Việt hoá và giải thích các biểu tượng trong game Farming Simulator

Trong game có rất nhiều biểu tượng khác nhau và một số trong đó không quen thuộc lắm với chúng ta (không phải là nông dân thật hoặc không phải nông dân Mỹ). Chúng ta cần làm quen với các biểu tượng này để có thể chơi game dễ dàng hơn, ví dụ khi bạn mua một chiếc máy thu hoạch và một loại thiết bị gặt (header) thì sẽ xuất hiện các biểu tượng của loại cây trồng phù hợp với cả hai loại máy này.

Phụ gia động cơ (DEF – Diesel Exhaust Fluid) là một chất phụ gia để làm giảm mức độ ô nhiễm không khí trong khí thải phát ra từ các phương tiện hạng nặng sử dụng động cơ diesel.

Muối rải đường giúp làm tan băng tuyết trên đường để các phương tiện di chuyển an toàn hơn.

Dưới đây là bảng các biểu tượng (icons) trong game Farming Simulator 22 đã được Việt hóa để người chơi dễ hiểu hơn, ngay cả khi bạn biết English thì nhiều cái tên vẫn là mới với những người không làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp 🙂

Đây là phiên bản thu nhỏ (bản đầy đủ xem rõ download ở link bên dưới)

Danh sách biểu tượng (full size).

Chơi game nông trại gặp lại hạt bo bo của một thời gian khó

Hôm qua chơi game làm nông dân, đụng tới một thửa ruộng sorghum, nhảy vào coi từ điển Oxford cũng không hiểu nó là hạt gì, thế là phải hỏi ông Google rồi vào Wiki. Tưởng gì hóa ra “hạt bo bo”, hạt này thì chắc một số đông dân VN còn nhớ tới chết, thế hệ sau này thì không biết tới là sướng lắm rồi 😃

Nhưng mà đọc cái đoạn wiki dưới đây thấy vừa buồn cười vừa ức 😃, sao cuối những năm ’70 tới tầm giữa ’80 thì Liên Xô còn khỏe, tình anh em lại đang nồng ấm đỉnh điểm mà sao nó không cho mình lúa mỳ có dễ nuốt không, lại cho cái hạt cứng còng (cho lợn ăn) thế này? Mà cho rồi sao nó không chỉ mình cách ăn đúng (rồi sao nhà nước cũng không chỉ), để rồi dân cứ ăn nguyên hạt, tốn củi nấu, rồi ăn xong ị ra vẫn còn nguyên cái hạt (thấy mấy ông hay joke thế 😃).

“Ăn cơm độn bo bo” là ký ức khó quên của nhiều người Việt thời kỳ nghèo khó thập niên 1970-1980. Thời đó Việt Nam bị thiếu lương thực, một số nước bạn bè như Liên Xô, Ấn Độ và một số nước có quan hệ hữu nghị đã viện trợ loại lương thực này cho Việt Nam.

Hạt bo bo có vỏ rất cứng và rất khó nấu ăn trực tiếp. Để làm thực phẩm, bo bo phải qua xay xát thành bột và lên men, làm thành bánh mì hoặc mì sợi. Nhưng người Việt thời đó phần lớn không biết cách chế biến loại hạt này. Để ăn hạt bo bo, người Việt thường phải ngâm nước và nấu thật lâu, giống như cách họ quen làm với lúa gạo, nhưng nấu xong thì hạt bo bo vẫn rất dai và cứng. Để dễ ăn, người ta phải độn bo bo với cơm. Vì thế, thành ngữ “Ăn cơm độn bo bo” trở thành câu nói mà nhiều người Việt dùng để chỉ sự thiếu thốn lương thực (dù thực ra nếu biết cách chế biến thì bo bo là loại lương thực có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người dân nhiều nước sử dụng rất rộng rãi).

Khám phá bản đồ Elmcreek

Elmcreek là một thị trấn nhỏ ở vùng nông thôn miền Trung – Tây nước Mỹ với phần lớn địa hình bằng phẳng thích hợp với làm nông nghiệp truyền thống. Đây là bản đồ tốt nhất cho những người mới bắt đầu chơi game Farming Simulator.

Công nghiệp nặng và nông nghiệp là hai ngành kinh tế chính của vùng Trung Tây, một phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp được biết đến với tên là vành đai Ngô (Corn Belt).

Có tất cả 82 thửa ruộng ban đầu với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau. Có đường tàu, sân bóng chày, sông suối… và nhiều thứ khác nữa để chúng ta làm một vòng khám phá. Nào, hãy bắt đầu 🙂

Hãy đăng ký kênh YouTube để xem thêm các video mới nhất về game nông trại Farming Simulator rất hay này 🙂

Khởi nghiệp làm nông trại trong Farming Simulator với vốn $100.000

Hôm nay tôi sẽ thực sự bắt đầu chơi game Farming Simulator – xây dựng một nông trại của mình (những việc đã thực hiện ở mấy video trước đều chỉ là công việc chuẩn bị). Có 3 kiểu làm nông nghiệp chuyên biệt trong Farming Simulator 22 và tuỳ theo sở thích mà bạn có thể lựa chọn một hướng phát triển cho nông trại của mình: làm nông nghiệp truyền thống tập trung vào trồng trọt hay là chăn nuôi, hoặc là khai thác rừng.

Hãy đăng ký kênh YouTube để xem thêm các video mới nhất về game nông trại Farming Simulator rất hay này 🙂

Dù chọn kiểu làm nông nghiệp nào thì bạn cũng sẽ bắt đầu trong vai trò một người nông dân hiện đại với đủ loại máy móc nông nghiệp, các công việc cần làm mỗi ngày của người nông dân, các quy trình gieo trồng và thu hoạch.

Ở một số bản đồ bạn có thể có sẵn một ít vật nuôi khi bắt đầu, bạn có thể chưa cần quan tâm tới chúng ngay và chúng cũng không bị làm sao cả. Farming Simulator được thiết kế dành cho mọi độ tuổi nên không con vật nào có thể gây nguy hiểm cho bạn.

Nếu bạn tập trung vào khai thác rừng bạn sẽ cần phải học sử dụng một số máy móc để làm việc với các loại cây gỗ, việc đó sẽ đòi hỏi một số kỹ năng.

Tôi bắt đầu với kiểu nông nghiệp truyền thống và bản đồ Elmcreek là lựa chọn thích hợp nhất, với phong cách làm nông dân Mỹ ít nhiều của quen hơn là nông dân châu Âu (là do xem nhiều YouTube đấy :D). Khi bắt đầu với mức độ dễ (Easy mode) bạn sẽ có một nông trại, một tài khoản ngân hàng $100.000 và có sẵn luôn 3 chiếc máy kéo, 1 máy thu hoạch, 1 máy bừa, 1 máy gieo hạt, 1 thùng chứa…. đủ để bạn bắt đầu tập làm nông dân 🙂

Bản đồ Elmcreek với nông trại của tôi ở các ô 44-46

Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ đi một vòng khám phá xem có gì trong bản đồ vùng Elmcreek. Hẹn gặp lại 🙂

Làm quen với game Farming Simulator 22

Trước khi bắt đầu chơi game Farming Simulator thì chúng ta cần tìm hiểu sơ qua xem trong game này có những màn hình, menu gì, các thiết lập cấu hình cần thiết mà chúng ta có thể thay đổi, và các phím điều khiển. Đây là một game lớn nên ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu nhanh còn theo thời gian dần chúng ta sẽ biết thêm nhiều hơn trong khi chơi.

Hãy đăng ký kênh YouTube để xem thêm các video mới nhất về game nông trại Farming Simulator rất hay này 🙂

Sau khi bạn bắt đầu một game mới với một mức độ khó và một bản đồ cụ thể, tức là bắt đầu xây dựng một nông trại mới, đây là các thiết lập cấu hình quan trọng nhất:

The Timescale: điều chỉnh thời gian nhanh hơn với thực tế, bạn có thể điều chỉnh cho thời gian nhanh gấp 5 lần sẽ giúp bạn làm việc trên cánh đồng nhanh hơn. Hãy cố gắng làm càng nhanh càng tốt hoặc sử dụng các máy nông nghiệp có công suất lớn hơn.

Economic Difficulty: điều kiện kinh tế ảnh hưởng tới những thứ như giá cả nông sản, độ khó càng thấp thì bạn càng dễ kiếm tiền và ngược lại. Khi mới bắt đầu tốt nhất hãy chọn mức độ dễ (Easy).

AI worker refill: khi bạn thuê người làm nếu bạn cho phép họ tự mua (Buy) các thứ khi cần thì bạn sẽ đỡ phải quản lý hơn.

Seasonal growth: nếu chọn để chế độ chuyển mùa như thực tế thì bạn sẽ phải trồng trọt và thu hoạch theo mùa vụ làm nông nghiệp, nếu bạn chậm trễ có thể làm hỏng vụ thu hoạch của mình. Nếu bạn mới chơi thì nên tắt mục này để chơi dễ hơn 🙂

Crop destruction: nếu bật mục này thì bạn sẽ phá hỏng cây trồng nếu lái máy kéo đi vào ruộng chẳng hạn, giống thực tế.

Periodic plowing: lựa chọn đất có phải cày xới lại định kỳ hay không, nếu có thì bạn phải cày đất để bảo đảm năng suất thu hoạch. Ở góc dưới màn hình sẽ cho biết khi nào bạn cần cày lại đất.

Field stones: có thể có đá trên cánh đồng, bạn cần phải đào đá và di chuyển đi trước khi trồng trọt.

Lime and Weeds: vôi và cỏ dại, đây là những thứ giúp trải nghiệm làm nông nghiệp giống thực tế nên bạn nên bật mục này.

Snow: tuyết rơi vào mùa đông sẽ làm tăng thử thách, bạn sẽ phải dọn tuyết trên đường. Mục này chỉ có tác dụng nếu bạn bật mục tự động chuyển mùa (seasonal growth).

Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ bắt đầu xây dựng một nông trại mới trong game này. Cùng chờ nhé 🙂

Benchmark Farming Simulator 22 trên gaming PC cấu hình Intel Core i3

Để coi xem game Farming Simulator 22 chạy trên một gaming PC tầm trung thì chất lượng đồ họa nó như thế nào nhé :). Cấu hình cơ bản là Core i3-10105F + Asus GTX 1650. Sử dụng MSI Afterburner để đo các chỉ số của hệ thống, đây là một phần mềm free để đo và hiển thị các thông số của hệ thống ngay trên màn hình lúc chơi game. Tuy nhiên cần phải biết thiết lập cấu hình một chút, hơi nhì nhằng 🙂

Hãy đăng ký kênh YouTube để xem thêm các video mới nhất về game nông trại Farming Simulator rất hay này 🙂

Farming Simulator 22 được chọn ở chế độ (hardware profile) mức Medium với một số options về độ chi tiết của hình ảnh (terrain) và bóng (shading) ở mức High, màn hình 1920 x 1080. Các cài đặt khác của CPU và GPU để mặc định (default settings).

Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu các màn hình, menu, các thiết lập cấu hình của game Farming Simulator 22. Cùng chờ nhé 🙂

Mua game Farming Simulator 22 và cài đặt như thế nào?

Sau khi có gaming PC rồi tất nhiên chúng ta phải có game mới chơi được chứ, thế thì phải mua và cài đặt một phiên bản phù hợp. Như các bạn sẽ thấy, ngay cả điều này cũng có nhiều hơn một lựa chọn 🙂

Hãy đăng ký kênh YouTube để xem thêm các video mới nhất về game nông trại Farming Simulator rất hay này 🙂

Tất nhiên trước tiên là website Farming Simulator thẳng tiến, phiên bản Farming Simulator 22 Platinum Edition có giá là $49.99 và phiên bản base game là $39.99, éc, nhiều tiền nhỉ 🙂 (ở đây chúng ta cũng chỉ xem phiên bản cho Windows nhé).

Coi ở Steam xem nào, tất nhiên Steam thì khỏi phải giới thiệu rồi, game thủ nào mà không biết cơ chứ :). Phiên bản base game là 467.000đ (~$20) và Platinum Edition là 790.000đ (~$33). Giá có vẻ dễ chịu hơn nhỉ, Steam luôn là nền tảng game có giá tốt mà.

Thử google coi có thêm những lựa chọn nào nữa nhé? Epic Games thì sao, hừm, ở đây giá cả hơi lạ vì cả phiên bản base game và Platinum Edition đều là 950.000đ (~$40)!!! Vậy thì mua Platinum Edition cho rồi.

Google tiếp thì có G2A bán đây rẻ hơn, mà chỉ bán key thôi. Platinum Edition giá khoảng từ $22-$26 tùy người bán! Sao nhiều giá vậy, là vì nó là kiểu như chợ bán lẻ cá nhân với nhau và đọc comments sẽ thấy vấn đề mua key xong không activate được và chất lượng dịch vụ sau bán hàng kém là khá phổ biến. Nói chung đây là vấn đề quen thuộc của C2C marketplace.

Vậy cuối cùng nên mua game Farming Simulator 22 phiên bản nào và ở đâu? Phiên bản base game sẽ là lựa chọn tốt nhất cho hầu hết mọi người, nhất là bạn chỉ mới bắt đầu làm quen game nông trại này. Phiên bản Platinum Edition là phiên bản base game và Platinum Expansion mà bạn luôn có thể mua sau này nếu muốn nâng cấp. Mua ở đâu, tôi nghĩ Steam là lựa chọn tốt nhất 🙂

Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ thử coi xem (benchmark) game này liệu có chơi tốt trên gaming PC giá rẻ Core i3 không. Cùng chờ nhé 🙂

Nội dung tham khảo

Chọn cấu hình máy tính (gaming PC) nào để chơi game Farming Simulator 22?

Nếu bạn không có sẵn một chiếc máy tính để chơi game (gaming PC) hoặc chiếc laptop hiện tại của bạn không đủ mạnh để chơi game (không phải là gaming laptop, như tôi đang sử dụng một chiếc MacBook Pro M1) thì câu hỏi đầu tiên sẽ là cần phải mua một chiếc máy tính có cấu hình như thế nào là phù hợp. Bạn sẽ cần mua những thứ khác nữa như tai nghe, bàn phím, chuột… nhưng mấy thứ đó có thể để “từ từ coi”, máy tính mới là vấn đề đầu tiên 🙂

Nếu bạn thích game này hãy đăng ký kênh YouTube để cập nhật các video mới nhất.

Máy tính gaming PC của tôi trên đây có cấu hình Core i3-10105F/16G/GTX 1650/SSD, như vậy trừ CPU là Core i3 là kém hơn yêu cầu của game Farming Simulator còn các phần cứng khác đều tốt hơn yêu cầu được đề nghị. Bây giờ chúng ta cùng xem CPU này thì mạnh yếu thế nào, có đủ để chơi được game này không nhé 🙂

CPU Core i3-10105F không có iGPU là bởi nhóm khách hàng chủ yếu mà nó hướng tới là game thủ. Với các game thủ thì một CPU tích hợp GPU sẽ không đủ đáp ứng trải nghiệm chơi game mà thay vào đó phải là một chiếc card đồ họa rời – có thể chiếm tới 1/3 giá tiền cả bộ máy tính 😦

Sau khi so sánh sức mạnh của các CPU này thì ta có kết quả như dưới đây, thật tuyệt :). Các con số sẽ cho câu trả lời chính xác nhất (xem bảng so sánh CPU).

So sánh các CPU i3-10105F vs. i5-3330 vs. i5-5675C vs. i7-7700K

Vậy là dù chỉ là Core i3 nhưng thế hệ thứ 10 thì vẫn mạnh hơn (chỉ số CPU Mark) rất nhiều so với Core i5 những thế hệ cũ cách nay đã 7-10 năm, mạnh hơn 2 lần so với yêu cầu tối thiểu Core i5-3330 và mạnh hơn khoảng 1.6 lần so với yêu cầu đề nghị Core i5-5675C.

Core i3-10105F chỉ kém Core i7-7700K khoảng 6%

Các công nghệ giúp chiếc CPU Core i3 này vượt qua các CPU Core i5 thế hệ cũ là chip 14nm, Hyper Threading (4 nhân 8 luồng), Turbo Boost 2.0 (tính năng này chỉ có trên một số dòng CPU nhất định), bộ nhớ Intel Optane là công nghệ thông minh giúp tăng tốc độ phản hồi của máy tính, cache L3. Tất cả làm cho chiếc CPU Core i3 này chỉ kém hơn một chiếc CPU Core i7-7700K một chút 🙂

Intel Core i3-10105F processor

Tại sao phải so sánh CPU thế này làm gì? Nếu bạn có điều kiện thì không có gì phải bàn cho mất thời gian, bạn chỉ việc mua ngay một chiếc gaming PC mạnh mẽ với CPU Core i7 hay thậm chí Core i9 thế hệ mới nhất thì “nhạc nào cũng nhảy” :). Nhưng nếu bạn không như vậy thì sẽ hợp lý hơn khi bỏ thêm thời gian để lựa chọn được một cấu hình máy tính phù hợp với khả năng của mình mà vẫn chơi được game yêu thích. Đây cũng chỉ là những gì tôi tìm hiểu được, có thể chưa chính xác hoặc phù hợp hoàn toàn, nhu cầu của bạn có thể khác nhiều, nếu bạn có ý kiến gì thì hãy comment trong video YouTube này nhé.

Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu xem mua và cài đặt game Farming Simulator 22 như thế nào và nên chọn phiên bản nào. Cùng chờ nhé 🙂

Nội dung tham khảo

Giới thiệu game nông trại giả lập Farming Simulator 22 với đồ họa 3D tuyệt đẹp

Farming Simulator đang là một game làm nông nghiệp giả lập hay nhất hiện nay nơi mà người chơi nhập vai làm một người nông dân. Ra mắt vào năm 2009 đến nay game này đã có 8 phiên bản trên nhiều nền tảng khác nhau Windows, macOS, iOS, Xbox, PlayStation… với phiên bản mới nhất là Farming Simulator 22. Game được phát triển bởi hãng GIANTS Software (Đức).

Nếu bạn thích game này hãy đăng ký kênh Youtube để cập nhật các video mới nhất.

Trong game này không có sẵn kịch bản nào cả, không có đối thủ mà bạn phải đối mặt, chỉ có mình bạn trải nghiệm công việc hàng ngày của nhà nông với đủ loại máy nông nghiệp, gia súc, gia cầm… tất cả đều như thật. Cũng cần lưu ý là ở đây bạn sẽ làm nông nghiệp theo kiểu Mỹ và Châu Âu với các máy móc và quy trình hiện đại, nôm na là người lao động ít nhưng năng suất cao, nó khác nhiều với những nền nông nghiệp ở các nước đang phát triển như chúng ta.

Khác với các game khác đòi hỏi bạn cần phải nhanh tay nhanh mắt không là… chết, với Farming Simulator bạn có thể chơi chậm rãi, độ khó thấp, như một lựa chọn tốt để xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng. Bạn tập trung vào kết quả công việc bạn làm được chứ không phải tốc độ. Bạn sẽ làm những công việc hàng ngày như cày cuốc, trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch cây trồng, bán và lưu trữ nông sản, mua bán đất đai… Bạn phải tính toán như một nhà nông dân thực thụ để làm ra lợi nhuận từ nông trại của mình.

Game có ba mức độ chơi dễ, trung bình và khó. Bạn có thể tuỳ chỉnh các đặc điểm cho nhân vật của mình (chính là bạn trong game). Trong game cũng có ba bản đồ của các vùng đất khác nhau để bạn chọn làm nơi xây dựng nông trại của mình: Elmcreek, lấy cảm hứng từ miền Trung Tây Hoa Kỳ nếu bạn muốn trồng lúa mỳ, bông, hay khoai tây;  Haut-Beyleron cảm hứng từ các vùng miền Nam nước Pháp với khí hậu vùng Địa Trung Hải ấm áp là nơi tốt nhất để bạn trồng nho và olive; bản đồ Erlengrat nơi bạn xây dựng một trang trại nuôi gia súc ở vùng núi Alps (An-pơ) của châu Âu. Có thêm bản đồ Silverrun Forest là một phần của Tây Bắc Thái Bình Dương nếu bạn quan tâm tới công việc khai thác lâm nghiệp, thu hoạch và chế biến gỗ.

Elmcreek
Haut-Beyleron

Game Farming Simulator 22 đã rất thành công với giao diện hiện đại, đẹp mắt. Cây cỏ và máy móc trong game rất đẹp và rất thật đến bất ngờ. Bạn sẽ được trải nghiệm âm thanh một cách trung thực nhất với tiếng động cơ của xe, các loại máy móc, tiếng ồn…

Game có hơn 400 máy móc và công cụ nông nghiệp như thật, người chơi có thể bán hoặc mua bằng lợi nhuận từ trang trại của mình. Tất cả máy móc đều là các mẫu mã có thật từ hơn 100 nhà sản xuất máy nông nghiệp như Case IH, CLAAS, Fendt, John Deere, Massey Ferguson, New Holland…

Game này cũng có một cộng đồng phát triển mod từ sửa đổi các máy móc hiện có, phát triển các loại máy móc công cụ mới cho tới xây dựng một bản đồ chơi mới. Người chơi có thể dễ dàng thêm mod vào nông trại của mình và làm cho quá trình chơi game hấp dẫn hơn.

Một thửa ruộng trồng lúa mạch

Theo ước tính của GIANTS Software, có đến 25% người chơi game Farming Simulator có liên quan đến nông nghiệp theo cách này hay cách khác, và khoảng 8%-10% là những người nông dân thực thụ. Đúng là một chi tiết thú vị khi nông dân thật còn muốn làm nông dân ảo 🙂

Nếu bạn không phải là một nông dân ngoài đời thật thì chơi Farming Simulator là một cách dễ dàng và thú vị nhất để trải nghiệm sự yên bình của nghề nông. Nào, bắt đầu thôi 🙂

Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về cấu hình máy tính (gaming PC) cần thiết để chơi game này. Cùng chờ nhé 🙂

Bạn có muốn làm nông dân ảo?

Bạn có muốn làm nông dân ảo? Ít nhất làm nông dân ảo cũng dễ hơn nông dân thật, chính xác là dễ hơn rất nhiều 🙂

Còn nhớ mấy năm trước có một series trên TTCT về chuyện “bỏ phố lên rừng”, tức là đang sống ở thành phố bỏ đi làm nông dân đấy. Có câu chuyện một gia đình trẻ từ Phú Quốc bỏ lên Tây Nguyên, rồi làm nhà trên đỉnh đồi để rồi chỉ một mùa là biết ngay cái nắng gió, mưa của Tây Nguyên nó như thế nào :). Đa phần mấy năm đầu rất cực nhọc vì làm nông dân tất nhiên không nhẹ nhàng, và cũng không phải để tay mơ ai thích là cũng làm được (thích thì chắc nhiều người thích), không có kinh nghiệm là biết nhau ngay.

Tuy nhiên đấy là làm nông dân thật, khó quá thôi bỏ qua, giờ nói về làm nông ảo mà độ vất vả chắc chỉ bằng cái móng tay nếu so với nông dân thật. Làm nông dân ảo nó ra làm sao? nhanh nhất là google và đọc dù rằng nó chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, còn muốn trải nghiệm thật hơn thì là chơi game nông trại trong đó Farming Simulator đang là cái game hay nhất hiện nay. Không biết bạn thế nào chứ tôi mới chỉ ghé qua mà thấy mấy cái máy cày ở Farming Simulator quả là đẹp thật, nếu bạn thích mấy cái máy nông nghiệp thì một chiếc máy cày CLAAS Xerion hay John Deere cũng đẹp không kém hơn một chiếc Bugatti Chiron với những ai thích siêu xe 😀

Một chiếc máy kéo CASE IH trong game Farming Simulator

Có hàng loạt lý do khiến người chơi đổ về các tựa game kiểu Farming Simulator, nhưng một trong những lý do được nhắc đến nhiều nhất là tốc độ chậm rãi, với các nhiệm vụ có tính thử thách thấp.

Chọn giống, thu hoạch, chăm gia súc, đối phó với thời tiết, rồi thu thập nguyên vật liệu, chế tác đồ thủ công – không ai dám nói những việc trên là dễ ngoài đời, song phiên bản game của chúng luôn được tối giản nhất có thể để người chơi vừa làm vừa thư giãn. Không chỉ vậy, các tựa game này còn có thêm các tính năng như thám hiểm, hay chơi online cùng bạn bè.

Các bài viết cũng có nói một nhóm thích chơi nông dân ảo là lý do được trải nghiệm với các máy nông nghiệp đủ loại, những thứ mà ngay cả nông dân thật ngoài đời cũng nhiều lúc chỉ mơ tới thôi (mấy cái máy kéo John Deere đời mới nó tới cả $500.000 đấy nhé, đừng có đùa). Trong dòng LEGO Technic mà tôi chơi cũng có một nhóm khá lớn là thích các mô hình máy xây dựng và máy nông nghiệp, nói chung với một nhóm người nào đó các cỗ máy đó rất hấp dẫn, dù rằng số đông trong đó có khi không phải thợ cơ khí, không phải công nhân/kỹ sư công trường, càng không phải là nông dân nốt 🙂

Mô hình LEGO Technic máy kéo John Deere 9620R