Một lần lên thăm chiến trường xưa Điện Biên

Ngày mai 07/05 là kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu” và cả nước cũng đang háo hức chờ đón một lễ duyệt binh hoành tráng. Nhớ lại 21 năm trước tôi cũng đã từng vác ba lô lên Điện Biên để tới thăm tận nơi nhiều địa điểm đã đi vào lịch sử.

Tại sao lại là chỉ một năm (2003) trước kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên? Cũng không có lý do gì rõ ràng, chỉ là thích thì đi :). Nhưng chắc chắn có một lý do là tôi không muốn đi thăm nơi đâu vào đúng các dịp kỷ niệm cả, vì sẽ đông người và ồn ào. Ví dụ như dịp kỷ niệm này đây, bảo tàng phải đóng cửa vì đông quá, máy bay đông gấp 5 lần bình thường, khách sạn cháy phòng… Mỗi người một khác, tôi thích lịch sử chứ không thích lễ hội. Còn như một đứa em tôi thích hội hè đang ở trên đấy thì thấy nó nói là đến 4 điểm thì đứng ngoài 3, có chơi có đứng chờ 😀

Tại sao giờ mới post ăn theo thời sự :D? Tại vì năm 2003 tôi còn chưa có blog, thời điểm đó blog còn rất mới và còn xài tên ban đầu là weblog cũng như mới chỉ có số ít developer thích viết lách xài. Không nhớ có post ở forum nào không vì giờ lâu quá rồi và các forum ngày đó thì cũng chết hết rồi 😀

Quay trở lại chuyến đi. Khoảng 4h sáng hay hơn gì đó tôi và một thằng bạn thân vác ba lô ra đường đứng chờ xe, chúng tôi bắt xe khách chạy tuyến HN-ĐB xuất phát từ bến xe Giáp Bát, mỗi ngày chỉ có một chuyến. Quãng đường 500km hứa hẹn một chuyến đi thú vị lần đầu lên Tây Bắc. Ngày đó cũng có đường bay HN-ĐB rồi, nhưng mà đi máy bay thì còn biết quái gì về đường lên Tây Bắc nữa 😀

Đường lên Tây Bắc thì cứ thế mà đi thôi, Hoà Bình, Mai Châu, Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo, và cuối cùng là tới Điện Biên Phủ, phù, mệt nhoài. Chặng đường 100km đầu tiên (đi tới thị trấn Mãn Đức, Hoà Bình) thì tôi từng đi nhiều lần từ lúc còn học cấp 1, có mỗi một đoạn đáng sợ nhất là dốc Cun thì giờ hết sợ rồi vì đường đã mở rộng an toàn hơn, những năm sau này thì nói vui là xe chạy qua dốc Cun lúc nào còn không biết ấy chứ :D. Từ sau dốc Cun trở đi có lẽ cũng là lúc cảm nhận thấy rõ núi rừng phía Bắc nó thế nào khi mà thường xuyên xe chạy bên cạnh các vách núi dựng đứng.

Nhưng vì lên Điện Biên vào thời điểm trước một kỷ niệm lớn nên hai thằng tôi có một hành trình nhớ đời, cả tuyến QL6 như một đại công trường phá đá mở đường. Đường ngày đó còn xấu lắm nhưng chuyến đi của chúng tôi đường còn xấu nữa do vô số đoạn đang làm dở đất đá ngổn ngang. Đã thế đi một lúc lại phải dừng chờ vì hoặc là mới nổ mìn phá núi xong còn đang dọn dẹp, hoặc là sắp nổ mìn. Thế nên tối mịt tôi mới thò mặt lên tới Điện Biên.

Một đoạn đường đang làm thi công

Một điều hơi tiếc là đâu tới khoảng 5h chiều mới đi qua đèo Pha Din nổi tiếng, lúc này mặt trời đã tắt nắng, trời nhiều mây mù.

“Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ / Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát / Dù bom đạn xương tan, thịt nát / Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” – những câu thơ tràn đầy khí thế đánh giặc của Tố Hữu. Tố Hữu làm thơ giỏi thế nào thì ai cũng biết rồi, nhưng còn giỏi nữa là có lần tôi đọc đâu đó nói là hình như khi viết ra những câu thơ này ông ấy còn chưa từng đi qua đèo Pha Đin 😀

Đèo Pha Đin mịt mù mây chiều

Đường xấu đi mất nguyên một ngày nhưng đầy hào hứng vì đấy là lần đầu tiên tôi biết tới núi rừng Tây Bắc hiểm trở. Chiếc xe khách bò chậm chậm lắc lư trên các con đường dốc và đầy ổ gà, lúc thì là hai vách núi che tối om cả con đường… chiếc đài cassette trên xe lúc chạy lúc dừng theo nhịp xe lắc lư. Cho đến giờ chưa bao giờ tôi thấy nghe Thanh Hoa hát bài Tàu anh qua núi hay như chuyến đi đấy.

Trước khi đi thì tôi đã tìm hiểu và đọc thấy trên Điện Biên có món “măng leo chấm chéo” của người dân tộc Thái, nên thử. Lên tới nơi tôi đã đi hỏi vài nơi, ra chợ hỏi, mà dốt cuộc không ai biết nó hết. Thằng bạn tôi nó thấy tôi dở hơi quá.

Cuối cùng như mọi người khách lên Điện Biên, tôi cũng lần lượt đi thăm các địa điểm lịch sử. Trải nghiệm thực tế bao giờ cũng khác, mấy cái xe tăng khẩu pháo và cả hầm De Castries đều bé tí :D, nhưng nghĩa trang liệt sỹ thì rất lớn, cả cái hố tạo ra bởi 1 tấn bộc phá để dứt điểm cứ điểm đồi A1 cũng rất lớn.

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam / Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng

Cánh đồng Mường Thanh
Miệng hố bị phá bởi 1 tấn thuốc nổ trên đỉnh đồi A1

Chiều về còn đáng nhớ hơn nữa vì thậm chí xe đi chậm quá còn phải nghỉ lại một đêm giữa đường!!!

The Americans – sụp đổ từ bên trong (p.5)

Có thể nói season 5 và 6 không hấp dẫn lắm với nhiều nhiệm vụ khá rời rạc, cuộc sống của Philip và Elizabeth trở nên nặng nề hơn khi họ càng ngày càng cảm thấy mệt mỏi hơn vì công việc, nảy sinh nhiều câu hỏi mang tính con người hơn (human being). Chắc chắn là họ không bao giờ phản bội tổ quốc nhưng bỏ cuộc là một lựa chọn được họ nghĩ đến. Dù họ vẫn còn sâu đậm lý tưởng Xô viết nhưng ít nhiều nó đã nhạt nhoà, họ đã quen với cuộc sống Mỹ quá rồi, còn hai đứa con thì Mỹ 100% :). Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay đón chờ họ trở về như những anh hùng nhưng họ cũng biết rằng trở về tổ quốc sau hơn 20 năm xa cách với vô số khác biệt không phải là lựa chọn tốt nhất, nên họ cứ chần chừ.

Hơn 20 năm xa cách khiến không biết thực tế xã hội ở tổ quốc họ giờ như thế nào, nhưng Oleg thì hiểu rất rõ. Oleg đã từ bỏ công việc ở đại sứ quán Liên Xô để về làm việc cho KGB ở trong nước sau cái chết của người em trai ở Afghanistan (sếp của Oleg đã ngạc nhiên khi biết em trai Oleg – con một Bộ trưởng – mà cũng phải qua chiến trường Afghanistan, câu trả lời là “ai cũng phải làm nghĩa vụ của mình”). Ở thời điểm 1985-1987 Liên Xô là một hệ thống tham nhũng trừ mỗi KGB như sếp của Oleg đã nói với anh khi anh mới gia nhập bộ phận mới chống tội phạm tham nhũng. Ngược lại, một tình nghi trong đường dây đầu cơ thực phẩm đã nói thẳng vào mặt Oleg và một đồng nghiệp của anh là cả cái nước này khan hiếm và đầu cơ thực phẩm, KGB ngoài cuộc đơn giản chỉ vì họ không cần phải lo lắng về chuyện cái ăn 😀

Philip đã bỏ cuộc và trở thành một travel agent đúng nghĩa, anh mở rộng business của mình nhưng dường như đấy không phải là thứ Philip có thể làm giỏi như làm một spy. Công việc kinh doanh ngày càng tệ. Elizabeth thì vẫn cứng đầu tiếp tục làm spy, sẵn sàng chết vì lý tưởng, và giết nhiều người hơn.

Stan Beeman, counter-intelligence, FBI

Từ season 6 không khí gia đình nhỏ này càng nặng nề, Philip và Elizabeth không còn trao đổi về công việc và dễ hục hoặc với nhau hơn, hành động một mình khiến Elizabeth gặp nhiều khó khăn hơn, Paige đã thực sự tham gia vào hoạt động spy và Henry thì lớn hơn (và thông minh) để thấy gia đình mình đang rất không ổn. Nếu như phim không kết thúc thì tôi không hiểu quan hệ Elizabeth và Paige sẽ như thế nào khi mà họ dường như chỉ còn nói chuyện với nhau về công việc, công việc xen lẫn vào mọi mối quan hệ, mọi việc làm của Paige.

Ngay khi Paige biết cha mẹ mình là Russian spies, và khi pastor Tim biết họ như vậy thì câu hỏi đầu tiên là họ có làm hại ai không? Họ có giết người không? Xa hơn nữa là sau khi đọc một vài quyển sách về gián điệp thì Paige còn thêm câu hỏi là mẹ của cô có sử dụng sex trong công việc của mình không? Philip và Elizabeth đã nói thật nhiều thứ với Paige, những thứ vô hại, còn họ không bao giờ dám nói thực là họ đã giết vô số người vô tội. Họ cũng không bao giờ dám thừa nhận là họ thường xuyên dùng sex để bẫy con mồi. Chỉ vào những phút cuối cùng của bộ phim, trong một con giận dữ vì bị dồn vào ngõ cụt, dù vừa mới thề (swear) xong nhưng Elizabeth đã hét lên rằng sex thì sao? sex thì có cái khỉ gì phải để ý? tổ quốc trên hết 🙂

Thực tế thì dần dần Paige cũng được mở mắt ra, rằng lý tưởng mà cha mẹ cô theo đuổi có thể là cao đẹp nhưng những việc họ phải làm thì rất khác. Sẽ không có gì có thể bào chữa được về mặt đạo đức. Nói cho cùng KGB, hay CIA hay bất cứ một tổ chức gián điệp nào (có cả điệp viên VN trong phim, Tuấn là một kẻ máu lạnh trẻ tuổi) thì cũng đều là những kẻ máu lạnh sẵn sàng làm mọi việc nhân danh vì tổ quốc 😀

Philip thức tỉnh khá sớm so với Elizabeth, anh vốn thông minh và học giỏi nhất trường cơ mà. Philip càng ngày càng trở nên cảm thấy tội lỗi khi phải giết những người vô tội, đặt nhiều câu hỏi hơn về tính đúng đắn của các nhiệm vụ từ cấp trên. Anh vẫn đặt tổ quốc trên hết nhưng nhận ra rằng điều đó không đồng nghĩa với việc làm bất cứ việc gì được yêu cầu, bất kể đúng sai. Elizabeth có vẻ hơi mù quáng và chỉ nhận ra điều đó ở những giờ phút cuối cùng khi cô biết rằng một nhiệm vụ của cô không đúng như những gì cấp trên nói, rằng hành động của cô sẽ bị lợi dụng cho mục đích khác, rằng tổ chức của cô không còn là một tập thể thống nhất, có đúng là “chiến đấu vì tổ quốc” giờ là một câu hỏi 😀

Cuối cùng không thể không nhắc tới Stan Beeman, một FBI agent có tài và luôn hết lòng vì công việc, một người Mỹ yêu nước không thể bàn cãi, và vẫn là một con người (chứ không phải như những điệp viên máu lạnh). Chính là Stan xuyên suốt cả bộ phim đã kiên trì kết nối mọi mắt xích lại (connect the dots) để bàng hoàng nhận ra những người hàng xóm của mình thực sự là ai và nguy hiểm như thế nào. Stan không thể bắt những người đã từng là hàng xóm tốt của mình và đành để họ đi. Cũng là Stan trên tinh thần fair play đã cứu Oleg khỏi bản án phản bội tổ quốc dù có thể đánh đổi bằng mất việc, thậm chí ra toà. Trên khía cạnh human being, Stan đại diện cho nước Mỹ đã thắng 1-0 với Liên Xô đại diện bởi KGB agents 😀

Stan and Reene (Is she a KGB agent too? No one know)

Kết thúc phim (thời điểm 1987) cũng không biết có phải là happy ending hay không, dường như không happy lắm:

Philip và Elizabeth đã chạy thoát về Liên Xô, chào đón họ là Arkady – trùm KGB ở đại sứ quán Liên Xô tại Mỹ và hiện là một nhân vật KGB cao cấp. Tuy nhiên với việc cả ba người này đã tham gia chống lại âm mưu của một nhóm KGB khác và quân đội nhắm vào Gorbachev tại một cuộc họp Xô-Mỹ về giải trừ vũ khí thì có thể đoán rằng họ sẽ không an toàn. Họ có thể sẽ dành phần đời còn lại trong nhà tù của tổ quốc họ 🙂

Henry bị “bỏ rơi” ở Mỹ vì Philip và Elizabeth quyết định là đấy là lựa chọn tốt nhất cho cậu bé. Con của một cặp điệp viên KGB khét tiếng, bơ vơ một mình, Henry sẽ bắt đầu cuộc đời tự lập của mình thế nào? Không ai biết, một may mắn duy nhất là vẫn còn Stan – một người bạn tốt của Henry – một người thực sự quý Henry và biết cậu bé hoàn toàn không liên quan gì về cuộc đời gián điệp của cha mẹ mình.

Paige vào phút cuối cũng trốn ở lại Mỹ, còn thiếu kinh nghiệm, không ai nương tựa và đã hoạt động gián điệp nên nhiều khả năng sẽ sa lưới FBI.

Oleg sẽ dành phần đời còn lại của mình trong nhà tù của Mỹ, bỏ lại vợ con để liều lĩnh quay lại Mỹ vì một nhiệm vụ tình nguyện và anh chấp nhận mất hết nếu thất bại. Gia đình Oleg là một bi kịch, dù là một Bộ trưởng nhưng bố anh đã mất một đứa con trong cuộc chiến vô nghĩa ở Afghanistan và nay mất nốt đứa con còn lại trong một nỗ lực ngăn chặn tình trạng chạy đua vũ trang.

Claudia đại diện cho nhóm KGB của những cựu binh còn sống sót từ thời WW2 và họ sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ nhà nước Xô viết vĩ đại. Cuộc chơi của họ sẽ chỉ dừng lại sau thất bại của cuộc đảo chính năm 1991.

Lang thang miền Tây: đi qua xứ dừa và chùa Khmer (Tết 2019)

Đúng ra không định đi đâu nữa, chỉ loanh quanh gần nhà thôi (đi trong ngày) nhưng đến sáng mùng 4 Tết lại đổi ý, ngó nghiêng coi đi đâu trong 3 ngày nghỉ còn lại. Sau khi tìm hiểu một chặp thì không có lựa chọn nào hấp dẫn cả, chính xác là không có lựa chọn nào. Tất cả các điểm du lịch đều hết phòng, ngoài ra rủi ro đông như kiến và “thảm hoạ” kẹt xe lúc về trên các hướng kẹt xe quen thuộc đủ làm tụt hết cả dũng khí :D. Thôi thì ta đi đến những chỗ không ai thích đến – và ta cũng chưa đến – vừa dễ thở, vừa là đi cho biết 😀

Thay vì khởi hành từ sáng sớm như thường lệ, lần này cơm trưa xong mới lên đường, thẳng tiến Trà Vinh – Sóc Trăng coi xem vùng đất của Phật giáo, người Khmer và người Hoa này như thế nào. Dù cao tốc SG-TL đang miễn phí nhưng trước Tết nghe tình trạng xe chạy lộn xộn cũng hơi ớn, thêm nữa chưa đi QL1A đoạn SG-Mỹ Tho bao giờ nên lần này đi cho biết, và đây cũng là những ngày vắng xe nhất còn không đi thì đi lúc nào :). Sau mới thấy quyết định này chỉ đúng 1/2 – đi một lần cho biết – chứ còn đường xấu, không có gì hay ho dọc đường, và rất nhiều xe máy (xe máy từ miền Tây đi về SG có mỗi đường này mà), cao tốc có thu phí cũng đáng để đi hơn.

Sau khi qua cầu Rạch Miễu thì cứ QL60 chạy qua Bến Tre, qua cầu Hàm Luông, qua tiếp cầu Cổ Chiên là tới địa phận Trà Vinh. Cầu Cổ Chiên chắc mới làm, rất dài do khúc sông này lớn. QL60 đoạn Bến Tre phần lớn là đường cũ hai làn, gọi là đi tạm, một số đoạn đường mới có phân cách cứng đi tất nhiên thích hơn nhiều. Khi đi qua cầu Cổ Chiên, từ đỉnh dốc cầu nhìn xuống phía trước khắp một vùng từ trái qua phải là mênh mông bát ngát một màu xanh của cây dừa. Thích nhất là đoạn gần tới cầu Cổ Chiên cho tới bên Trà Vinh, hai bên toàn dừa là dừa, bán rất nhiều sầu riêng và vú sữa, vợ tôi xuống mua ít vú sữa ăn dọc đường, giá thì cũng như SG thôi nhưng ngon và tươi hơn nhiều, và chọn thoải mái.

Ban đầu định ghé Trà Vinh trước nhưng sau sợ tới Sóc Trăng muộn nên bỏ qua để dành lúc về. Đúng ra sẽ đi theo QL60 tiếp để qua phà Đại Ngãi là tới Sóc Trăng nhưng coi maps thấy nó đang giờ cao điểm, rồi thấy mấy reviews mới nói phải chờ 2-3 giờ nên hãi quá thôi chọn đi ngả Cần Thơ, xa hơn nhưng tin cậy hơn.

Đi tắt qua HL6 sang DT911, theo QL54 để chạy lên Cần Thơ. Đi đoạn đường này có 3 cái đáng nhớ: thứ nhất là đường nhỏ hai làn và xấu toàn tập, mấy chục km mà bò chán chê tối mịt mới tới Cần Thơ, chán quá nên thay đổi kế hoạch ở lại luôn Cần Thơ để sáng hôm sau mới đi tiếp. Cái nhớ thứ hai là dừa, đường ít xe, rất ít ô tô, hai bên đường là những vườn dừa nối tiếp nhau, các mái nhà ẩn hiện dưới tán dừa. Đây là lần đầu tiên tôi đi dưới một rừng dừa như vậy, có lẽ chưa khi nào trải nghiệm miền quê miền Tây thật như thế này 🙂

Lúc đó cũng nhớ tới câu thơ “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ” nhưng không nhớ ở bài nào, của ai. Khi về nhà rồi google mới biết đấy là bài Dừa ơi của Lê Anh Xuân viết về quê hương Bến Tre của tác giả (ông đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968).

Cái nhớ thứ ba là đoạn này có bán nhiều một loại roi (miền Nam gọi là mận) màu xanh nhạt, quả hơi vuông, ăn ngọt rất ngon, tính lúc về mua ít làm quà mà không đi đường này nữa nên đành bỏ.

Cần Thơ thật ra rất chán, nếu đã ở HN hay SG thì không có gì thích ở Cần Thơ cả, vào đến Cần Thơ là thấy xe cộ đông nghẹt, đông hơn cả những ngày này ở SG (vì dân SG cũng còn kéo hết xuống đây, đi qua hoặc tạm dừng chân :D). Ăn uống xong cả nhà ra bến Ninh Kiều hóng (nghe hoài xưa giờ hôm nay mới thò mặt ra coi lần đầu tiên), có cái cầu đi bộ bắc ngang sông thì đẹp, ai chưa đi thì tạm coi nó na ná cầu Ánh Sao ở Phú Mỹ Hưng ấy nhưng dài hơn và ít đèn dưới mặt đường hơn. Công viên và cầu thì đèn đóm sáng choang nhưng không hiểu sao đường đi bộ dọc sông phía bờ bên kia (khu mới) thì tối om không đèn đóm gì hết. Lan can thì thấp, một đoạn lại có một cái cầu thang dẫn xuống sông mà không có cửa gì hết – sông vừa lớn vừa sâu tối om – không hiểu để làm gì? Vừa đi vừa nghĩ lỡ nhà nào có trẻ con chạy loăng quăng chạy luôn xuống sông thì toi.

Sáng ra đi ăn nem nướng Thanh Vân trên đại lộ Hoà Bình mà vừa nhìn thấy tối hôm trước. Ngon. Mình vào quán thấy chung quanh mọi người toàn ăn bún, nghĩ bụng chắc là bún nem nướng đây vì cũng không thấy menu đâu, gọi đại 3 phần. Một lúc sau thấy mang ra 3 phần nem nướng cuốn bánh tráng :D. Sau mới để ý khách du lịch hay ăn món này, còn dân địa phương hay ăn món giống bún, mà chính xác phải gọi là bánh tằm.

Nem nướng Thanh Vân

QL1A thẳng tiến Sóc Trăng, phần lớn xe sẽ quẹo phải đi Cà Mau, ít người đi Sóc Trăng như mình. Ngay cửa ngõ vào thành phố có một cái công viên lớn gọi là Hồ Nước Ngọt, định ghé vào coi nhưng ngó qua thấy đường xấu, công viên thì lớn thật nhưng trông có vẻ hoang tàn giống một khu rừng hoang hơn, thôi bỏ. Qua đường Tôn Đức Thắng thấy bên phải là nhà thờ Sóc Trăng, nhà thờ và cả một khu vực kế cận khá lớn, kéo dài suốt một đoạn đường TĐT. Tiếc rằng đóng cổng nên chỉ đứng ngoài ngó. Hơi ngạc nhiên có cái nhà thờ lớn thế này ở vùng đất Phật giáo.

Chếch bên nhà thờ là một cái chùa, bước chân đến địa phận Trà Vinh – Sóc Trăng sẽ thấy một cái khác biệt là các cổng chùa lớn kiểu Khmer với chóp nhọn, chạm khắc cầu kỳ và thường có màu vàng nổi bật. Hoá ra đó là chùa Khleang và là chùa cổ nhất Sóc Trăng. Sau khi ghé qua một vài chùa ở đây thì có thể thấy sau đây là các đặc điểm đặc trưng của chùa Khmer:

  • Khuôn viên thường rất lớn, trồng rất nhiều cây thốt nốt
  • Các ngôi chùa cũng xây lớn, và đều là chùa xây (gạch/bê-tông) chứ không dùng gỗ/tre/ngói như chùa VN (mà cũng là ngày trước thôi)
  • Màu vàng sẫm (và mạ vàng) là chủ đạo tuy nhiên tông màu sử dụng rất đa dạng, đủ cả xanh, tím, hồng, vàng, đỏ và phối màu rất đẹp
  • Điêu khắc rất cầu kỳ
  • Cổng chùa thường có mỗi tiếng Khmer nên nhìn chịu không biết tên gì 🙂
  • Thường có nhiều tháp đựng tro cốt (của một người), nhỏ thì chừng một m2, lớn thì tới cả 36m2 (chừng 6x6m)

Trở lại chùa Khleang, vào mới biết đây là chùa cổ và ngôi chùa hiện tại cũng đã có từ năm 191x, không như các chùa còn lại đều mới xây lại gần đây. Tôi vẫn thích các chùa còn giữ được từ ngày xưa, có lịch sử lâu đời và rõ ràng, hơn là các chùa xây mới lại gần đây với lịch sử tương đối mù mờ ;), còn các chùa kinh doanh thì xin miễn nhắc tới. Ngoài toàn bộ gian chính điện được trang trí cầu kỳ gồm các cột sơn mài, vẽ tường, vẽ trần thì trong chùa còn có các tủ lưu giữ nhiều tượng phật, kinh sách cũ kỹ. Không hiểu sao chùa lại rất vắng khách, loanh quanh mãi trong đó cũng chỉ gặp có 2-3 nhà sư.

Bỏ qua chùa Đất Sét vì thấy nói là chùa tư nhân, và nó nhỏ quá, lại có vẻ nhiều người ghé nên thấy xe đỗ đầy ngoài đường. Cũng cất công chạy xuôi theo QL1A khá xa để tới chùa Chén Kiểng (chùa mảnh sành), chùa này cũng mới và nói chung chỉ lạ là toàn bộ được ốp mảnh sứ từ chén/đĩa thôi. Đình chùa ngoài miền Bắc cũng hay đắp nổi mấy con rồng phượng bằng mảnh bát, có điều ngày xưa là bát đĩa theo kiểu TQ nên hoa văn thường mỗi một màu xanh lam, còn giờ như ở chùa này dùng bát đĩa bây giờ nên màu sắc đa dạng. Cá nhân mình coi thấy lạ chút xíu chứ đẹp và tinh xảo thì không có. Bên trên chùa Đất Sét có một chùa nữa cũng rất lớn, nói chung là hai tỉnh này rất nhiều chùa rải rác dọc đường, đi hết chắc mất vài ngày.

Wat Som Rong

Chạy tiếp qua chùa Dơi, là vợ tôi thích đi chứ thấy nói chùa có nhiều dơi là không thấy thích lắm rồi, mình không thấy con dơi có gì hay cả, trông sợ là khác :). Chùa này có vẻ nhộn nhịp nhất, lại là cảnh quen thuộc với hàng quán trên đường vào, rồi chào mời giữ xe… vào tới bãi xe rồi nhưng thấy không khí có vẻ nhộn nhịp quá thôi lại quay ra 🙂

Cuối cùng là thấy nếu đến Sóc Trăng chỉ cần vào chùa Khleang là đủ, là ngôi chùa đáng để ghé một lần và cũng mang đầy đủ đặc điểm của chùa Khmer ở vùng này.

Wat Som Rong panorama

Trên đường Tôn Đức Thắng có một nghĩa trang của người Triều Châu có lẽ từ TK19, lúc đi qua thấy cổng và mái nhà kiểu xưa xa xa phía trong cứ tưởng chùa nên mới ghé vào. Đây là một nghĩa trang rất lớn, các mộ phần lớn cũng đắp đất nhưng đều có bia đá. Giữa là mấy cái nhà chắc để thờ cúng, có một cây đa rất lớn. Khi đi vào tới trong mới biết là nghĩa trang và không khí coi vẻ u ám cũng hơi ớn nên không dám chụp ảnh gì nhiều. Sóc Trăng (và Trà Vinh) ngoài người Khmer nhiều còn có nhiều người Hoa, ông Vương Hồng Sển quê Sóc Trăng cũng là người Phúc Kiến. Bên cạnh chùa Chén Kiểng có bán nhiều thứ trong đó thấy có cả củ cải muối (để ăn với cháo trắng) của người Hoa.

Nghĩa trang của người Triều Châu

HN có phở, SG có hủ tiếu thì Sóc Trăng có bún nước lèo, bán khắp nơi. Buổi trưa ăn bún nước lèo ở quán Cây Nhãn – là một quán có tiếng – nói chung là ngon có điều mình thì không thích lắm. Bún có đủ cả cá và thịt heo quay :). Chiều đi ăn bún cá lóc vỉa hè ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Phú Lợi cũng ngon, ăn cũng mấy loại rau dại gì đó trông quen quen mà không nhớ tên.

Toàn bộ trung tâm hành chính của Sóc Trăng tập trung hết xung quanh Tỉnh uỷ và UBND ở khu vực giữa hai con đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trung Trực, khu này vắng hoe vì không có nhà dân. Có một thứ thấy rất “nhức mắt” ở đây là hay có mấy cái biển “Khu vực cấm” treo trên hàng rào và bên cạnh đó là một cái biển chi tiết hơn giải thích cấm tụ tập, quay phim chụp ảnh… theo một quyết định của Chủ tịch tỉnh. Đúng là lệ làng, toàn mấy cơ quan hành chính mà cấm chụp ảnh!!! không hiểu còn ở đâu có mấy cái cấm đoán này nữa.

Ngoài cái công viên như rừng hoang nói trên thì trong thành phố còn có hai cái công viên nho nhỏ khác, một cái nằm ngay trước Tỉnh uỷ. Hai công viên này đều lát đá toàn bộ, ít cây và toàn cây cao ít bóng mát, đáng buồn nhất là ở đây không có hoạt động gì hết ngoài một dịch vụ cho thuê xe điện. Ngoài mấy cái ô tô điện trẻ con quen thuộc thì ở đây có một loại xe 3 bánh và xe máy điện 2 bánh cỡ nhỏ trông như hàng VN tự làm, khác biệt nữa là nó phát ra tiếng kêu như mấy cái xe đua (dù nhỏ). Cả công viên ầm ĩ trẻ em đua xe, vừa nguy hiểm vừa ồn ào.

Chiều về chọn đi hướng qua phà, khởi hành từ 6h sáng mà gần hết buổi sáng mới qua được hai chuyến phà, chờ phà dài cổ sợ luôn chắc không bao giờ dám đi lại. Thực ra ngày thường chắc cũng không đông đến nỗi thế nhưng đây là hôm hết Tết, chủ yếu là xe máy ùn ùn kéo nhau trở lại SG, phà thì nhỏ ưu tiên xe máy qua trước.

Qua phà Đại Nghãi, một khúc sông rộng mênh mông

Khi về, cảm ơn các anh CSGT Bến Tre – Tiền Giang đã tổ chức phân luồng sớm từ trước khi qua cầu Ba Lai và chặn một chiều cầu Rạch Miễu và xả trạm BOT Rạch Miễu giúp cho hướng lên SG xe chạy bon bon 😂. Chưa bao giờ tôi chạy qua cầu Rạch Miễu nhanh như hôm nay hé hé 🤣

Khám phá Suối Tre và lang thang mảnh đất bát ngát rừng cao su Long Khánh

Cách đây chừng 2 tuần (thời điểm 07-2019) do đọc được cái post này mới biết đến Suối Tre, ý nói là địa điểm có tên là “công viên văn hoá Suối Tre“, chứ trạm CSGT Suối Tre thì nổi tiếng quá rồi :). Google một phát thấy ra một rổ thông tin, nhất là bài này còn câu view ghê gớm gọi Suối Tre là “Đà Lạt của miền Đông”. Toàn là cây với rừng, thấy mê luôn, thế quái nào giờ mình mới biết cơ chứ.

Cuối tuần mang ra hỏi mấy ông bạn cafe, hoá ra mấy ông lớn hơn mình 5-7 tuổi sống ở SG hoặc lên SG học ĐH đều đã từng đạp xe tới đây chơi thời sinh viên, thanh niên từ lâu lắm rồi 😀

Vậy là sáng hôm qua xách xe đi, Suối Tre thuộc địa phận Long Khánh, cách SG 80km và đi nhanh nhất là chạy hết cao tốc SG-LT-DG rồi chạy thêm vài km trên QL1A là tới. Nhưng do phải ghé qua nhà đứa em họ ở Dĩ An đón ông con đang chơi ở đó nên phải đi khá lòng vòng, đi QL1K tới Biên Hoà cũng đã hơn 11h nên ăn trưa đã, xong cứ QL1A chạy tới nơi cũng chừng 12h30. Càng đi về phía Long Khánh đường càng lên dốc.

Nhìn trên maps, sau khi đi khoảng non nửa đường QL1A đoạn từ lối ra cao tốc cho tới Suối Tre thì sẽ thấy bên trái là một loạt các đường đánh số cắt nhau thành các ô vuông. Mới đầu cứ tưởng khu dân cư mới nào đó hoá ra phần lớn khu đó là rừng cao su (kéo dài cho tới đường Suối Tre – Bình Lộc), các đường số kia là những con đường chạy trong rừng tuy nhỏ nhưng đẹp, chạy trong đó chắc thích lắm :). Nếu không muốn đi QL1A đông xe thì để ý khi tới Đường số 1 – Xuân Lập ở bên tay phải là có thể qua đường đi vào con đường nhỏ bên tay trái :D. Con đường này thấy vẫn đường đất nhưng phẳng, đi được, còn muốn chắc ăn thì chạy tới Đường 15 hãy qua.

Cổng chính vào khu Suối Tre nằm trên Đường 11 nhưng thực ra đi đường nào cũng được, và có thể lang thang hết cả khu đó coi rừng cao su, tới đâu thì tới :D. Khi vừa tới cổng bạn sẽ cảm nhận ngay mình đang tới một khu… bỏ hoang, với tôi bỏ hoang thì thích hơn đông vui quá cỡ, nếu bạn đã từng tới một khu du lịch bỏ hoang khác có tên Fosaco ở Củ Chi thì cảm giác ở đây cũng gần như vậy, nhưng ở đây có rừng cây đẹp hơn nhiều. Từ cổng đi vào một đoạn sẽ có một khoảng sân rộng và ở đó đã cố định một cái rạp ngoài trời phục vụ sự kiện như đám cưới, lúc đó cũng đang có một đám cưới. Bỏ qua đám cưới kia thì ở đây không có dịch vụ gì hết, suốt cả buổi tôi cũng chỉ gặp đâu 2 người bảo vệ, ngoài ra gặp một số bạn trẻ cũng không biết là ghé đây chơi hay là nhà ở quanh đó.

Vậy ở đây có gì? Có nguyên một rừng cây đa số là thẳng và cao tít, lẫn vào đó là đâu tất cả chừng 15-20 cây cổ thụ vài người ôm không hết, có các đường đi để bạn dạo chơi, tóm lại là có thiên nhiên và hoàn toàn yên tĩnh để có thể cắm trại cả ngày. Nhà tôi để xe lại và đi lòng vòng ngó nghiêng hết khu màu xanh trên map, hết chừng 2 giờ. Mặt đất (trừ đường đi và các khu vực đã xây dựng) phần lớn bao phủ bởi cây bụi và cỏ dại dày chừng 30cm-40cm, không biết có rắn rết gì không nhưng nhà tôi vẫn đi tuốt. Ở đây cũng nhiều muỗi hoặc những con bọ nhỏ tí và biết bay, đi thì không sao chứ dừng lại một lúc là thế nào cũng bị chúng nó bu. Đi rừng và biển lúc nào cũng nên có thuốc bôi và xịt côn trùng.

Có mấy khu trò chơi han gỉ, bể bơi không có nước, nhà hàng không có người, sân tennis hư hỏng… có ai đó đã tính biến nơi đây thành một khu vui chơi nhưng bất thành, mà khu vui chơi ở đây thì dành cho ai khi mà nó nằm trong rừng cao su, nhà cửa và dân cư thưa thớt, phải chạy khá xa mới tới thành phố Long Khánh.

Đọc bài trên thấy có cái ảnh đập nước Suối Tre nên tôi cũng mò tới ngó coi nó ra sao, đi theo đường 11 rồi đi tiếp đường Suối Tre – Bình Lộc vài phút là tới. Trên đường 11 sẽ nhìn thấy một cái biệt thự bỏ hoang nằm giữa rừng cây um tùm, do nó hoang vu quá mà lại đang đi xe nên cũng không ngó vào. Đập nước nhìn mãi không thấy đâu, còn hồ nước thì cạn gần hết!

Đi tiếp lên Đường số 7 xong qua Đường NA1 để ra QL1A đi tiếp tới thành phố Long Khánh. Cái đường NA1 thẳng tắp, to tướng, một lúc mới lại gặp một cái xe chạy qua mà cắm cái biển 50km/h :D. Mà cả xe máy lẫn ô tô không thấy ai chạy theo cái tốc độ đó cả, trừ tôi. Nghe thì hơi dở hơi nhưng ở nơi xa lạ thì càng phải đi đúng, chưa nói lại còn ở Đồng Nai 😀

Thị xã Long Khánh không biết đã lên thành phố bao lâu, nói chung là giống như nhiều thành phố nhỏ ở các tỉnh, ít dân, cuộc sống cảm giác bình yên hơn hẳn SG lúc nào cũng quay cuồng :). Đường phố ở đây đều mới và đẹp, chắc làm mới gần đây, công viên cũng như một rừng cao su. Nhà thờ Xuân Lộc cũng nhỏ (không lớn như tôi nghĩ), nhưng có cái Đại chủng viện thì rất lớn, thêm Toà giám mục giáo phận Xuân Lộc bên cạnh nữa là khu này kéo một đoạn rất dài trên đường Hùng Vương (hình như là con đường lớn và đẹp nhất). Một công trình cũ theo kiến trúc Pháp mà tôi gặp là toà hành chánh Long Khánh, chức năng như UBND bây giờ, một toà nhà cũ hai tầng đã được xếp hạng di tích lịch sử.

Toà hành chánh Long Khánh

Khoảng hơn 4h chiều mà lòng vòng mãi không gặp nhiều quán xá lắm, mãi mới thấy một quán bún thịt nướng trong một con đường nhỏ. Chợ cũng có vẻ không sầm uất lắm, vợ tôi ghé chợ định mua trái cây mà tiu nghỉu quay ra với ít chôm chôm để ăn tạm trên đường :). Hình như ở Long Khánh ra mọi người đều dừng mua trái cây ở đường Hồ Thị Hương trước khi ra tới QL1A, chôm chôm ở đây ngon và rẻ hơn ở dưới Cái Bè nhưng sầu riêng thì kém xa. Măng cụt không mua không biết, “ổi Long Khánh” thì có tiếng rồi nhưng lần này cũng không mua. Ra QL1A có nhiều đoạn thấy bán măng củ to tướng, không biết ở đâu ra, nhưng mà xe thì chạy ào ào nên dừng ở lề đường rất ghê với lại măng thì cũng không có bổ béo gì nên dẹp luôn.

P.S. Viết dở từ tháng 07-2019.

Tôi đã đăng ký thẻ thông minh xe buýt UniPass như thế nào? (1)

Phần 1: Trải nghiệm với dịch vụ công thường khó khăn và mất thời gian

Gần đây (thời điểm 01-2020) chú ý trên xe bus (TPHCM) thấy có treo thêm một cái thiết bị mới (trông như cái hộp tự chế, xấu điên :D) trên cột phía sau lái xe, ngay phía trên cột máy bán vé. Trên xe sáng nay thấy là một thiết bị mới vỏ nhựa trông hiện đại hơn hẳn, lại có cả màn hình, thế nên mới tò mò ngó vào và hỏi tài xế thì được biết là đầu đọc thẻ thông minh sắp được áp dụng đại trà toàn thành phố. Boom, xe bus 4.0 đây rồi, sẽ phải thử ngay mới được 🙂 (tài xế cũng rất hào hứng giới thiệu).

Không phải tài xế nào cũng như vậy, ngay buổi chiều lúc về có một bạn thay vì bấm nút lấy vé như mọi khi thì lại bấm nút trên màn hình cảm ứng của máy quẹt thẻ UniPass kia – làm tài xế giật mình cáu hỏi “làm cái gì thế?” 🙂 (các tài xế bus có một lo lắng thường trực là khách bấm nút linh tinh, vd mua nhầm vé hoặc bấm ra tới 2 vé :D). Tuy nhiên lần này bạn trẻ kia đúng, bạn đó giải thích là lúc sáng được một tài xế khác hướng dẫn như vậy. Tài xế đuối lý nhưng cố vớt vát, và lại càng sai hơn, “lúc nào đi xe tài xế đó thì hãy bấm thế”. Sau đó tiện tay tắt luôn cái máy UniPass kia đi, cho đỡ rắc rối 😛

Tôi đã tìm kiếm thông tin như thế nào? Đầu tiên là vào ngay website của xe buýt TPHCM, may mắn là thấy ngay một link dẫn tới một trang dành riêng cho cái thẻ này. Nhận xét nhanh là trang đó khá đẹp, nội dung tương đối đủ, đọc hết là bạn có 90% thông tin cần biết. Tuy vậy, trang web này thiếu một số thông tin quan trọng, phản ánh sự cẩu thả trong công việc.

Tôi muốn đăng ký cho cả thằng nhóc nên chọn sẽ tới điểm giao dịch để đăng ký vì thấy nói đăng ký online thì chỉ có thể xài mã QR trên smartphone (mà không có thẻ). Mà trước khi đến thì cần một số điện thoại để hỏi, như tôi muốn đăng ký ở ĐH Tôn Đức Thắng không lẽ tới đó hỏi bảo vệ :), hoặc T7 có làm việc không etc. Nhưng mà gần như không có số điện thoại nào cả!!!

unipass1
Số hotline trả lời bạn về Zalo Pay

Gọi vào số hotline 1900545436 thì suýt nữa tưởng nhầm vì lại thấy nó nói là ZaloPay, ráng nghe tới 2 lần (mất 1.000đ/phút) mà không có nói gì về UniPass. Dẹp. (hôm sau tôi mới phát hiện ra là UniPass chỉ là một chức năng trong cái app ZaloPay, và phải khá vất vả mới giải mã ra điều đó vì thông tin được mã hoá rất kỹ :D).

Trong phần FAQ có nói 2 điểm làm thẻ, nhưng không có một số điện thoại nào! Còn một lựa chọn duy nhất là số liên hệ chung 028.3926.2798 bé tí ở footer. Gọi vào khoảng hơn 17h không có ai nghe, sáng hôm sau gọi lại và trình bày lý do thì được mấy em ở đó nhiệt tình trợ giúp, cho những 3 số điện thoại khác để… gọi tiếp 🙂

unipass2
Làm sao tìm ra nơi làm thẻ trong một trường ĐH?

Ngoài chuyện hoàn toàn thiếu các số điện thoại thì nội dung trang web cũng được làm cẩu thả. Tôi thấy luôn nhắc đến app mà không thấy có cái link nào để tải app UniPass, tài thế, hôm sau mới biết là tải ZaloPay. Phần nói về các tuyến đang triển khai cũng bất nhất, không tính tuyến tôi đi chắc mới áp dụng nên chưa kịp cập nhật.

unipass3

unipass4
Thông tin mỗi phần nói một phách 🙂

Cũng khá khó khăn mà hôm sau tôi mới tìm ra một cái link được giấu kỹ, mới biết trang web này là một bản copy giống khoảng 95% của website UniPass này 🙂 (cách làm việc này không có gì lạ, người làm ẩu đã đành nhưng nếu người kiểm tra có trách nhiệm thì làm gì có chuyện bê-tông cốt tre chẳng hạn :D).

(còn tiếp)

unipass5

Trang unipass.vn là một phiên bản giống 95%

P.S. Đây là câu chuyện viết dở (draft) ở thời điểm 01-2020, đến nay tôi (và bạn Gấu nhà tôi) đã sử dụng UniPass để đi bus được gần 4 năm và đây đúng là một thay đổi đã giúp hệ thống bus TPHCM (hay chỉ cty Saigon Bus?) phục vụ khách hàng tốt hơn. Qua thời gian bản thân UniPass cũng được nâng cấp tốt hơn vd như tích hợp thanh toán trực tiếp từ Zalopay (không cần nạp tiền riêng). Không biết bus HN có UniPass hay cái gì tương tự không?

Một điều thú vị nữa là tôi cũng có lần phỏng vấn một bạn apply job đã từng làm dự án UniPass này, thế là có thêm một case thực tế để nói chuyện developer-user vì thường 90% các buổi phỏng vấn job thường boring và có thể kết thúc sau 15 phút.

Lang thang miền Tây: Mỹ Tho – Vĩnh Long – Sa Đéc – Cần Thơ

Thằng Vinh chỉ quán hủ tiếu Trang ngay góc Yersin – Ấp Bắc nhưng mà lúc ghé vào là 12h thì quán đã nghỉ bán. Qua hủ tiếu Mỹ Tho ăn, 40K/tô khá đắt, nói chung ngon tuy nhiên hủ tiếu không phải món thích.

Quay lại chùa Vĩnh Tràng, chùa to thật, có mấy pho tượng rất lớn. Chùa cũ, bên trong trạm trổ rất đẹp, chắc là đẹp nhất Miền Tây.

Khoảng 14h30 đi qua Cái Mơn? thấy toàn sầu riêng, sau đó toàn mít. Đường rất đẹp.

15h gặp đường cụt ĐT875B phải quay lại, coi lại Gmaps thấy có review cầu không đi được mà không xem trước :(. Đi lên Cai Lậy gặp đường tránh một chiều, lỡ đi vào rồi phải theo suốt, rồi ra QL1, kẹt xe, mãi mới quay đầu lại được, mua đường mất đến 20km-30km, lòng vòng mất hơn 1h. Biển cắm linh tinh, chặn đường mà ko kẻ lại vạch, mũi tên chỉ linh tinh.

15h40 gọi giao hàng Tiki, nó kêu chiều mới lấy hàng. Bọn Tiki cancel mà ko báo bọn kia huỷ.

16h30 đến Cái Bè, chỉ vì muốn xem chợ nổi mà phải đi đường vòng, lại mua đường, cuối cùng ko thấy chợ đâu, hỏi mấy bà ở chợ thì bảo chợ từ 10 năm trước, giờ làm gì còn, giờ xe tải chở tận vườn đâu phải dùng ghe đi bán.

Lúc ở Cái Bè ra tính đi tắt qua HLxxx nhưng sợ lại gặp phải đường cụt nên hỏi một anh bên đường, được biết đi ngon nên mới yên tâm đi, hoá ra đi qua cái cầu là có một ngôi chùa chắc cũng có tiếng, xe tour xếp đầy đường, chắc nhờ thế nên đường từ chùa ra tới QL1 lại rộng đẹp, khác hẳn đoạn đầu phía Cái Bè.

Tới Vĩnh Long cũng gần 5h chiều, đói bụng và bạn Gấu cũng đòi ăn cơm tấm. Trên Foody thấy có cơm tấm cô Tuyết ở đường Lý Thường Kiệt mà tìm không thấy tăm hơi. Lượn vào một đường vắng nhảy xuống hỏi một bác già già, bác ấy chỉ cho một tiệm cơm tấm và nói “ngon dữ”.

Qua cầu, dãy nhà nhỏ cũ nằm bên phải ngay dốc xuống cầu, có mỗi cái tên “Cơm tấm hè phố” in trên tấm bạt che nắng. Kế bên một tiệm tạp hoá và thuốc tây 30 Phạm Thái Bưởng. Quán nhỏ nhưng có đến cả chục người tính từ người nướng thịt đến dắt xe máy. Khách ăn rất đông.

Quả đúng là tiệm cơm tấm đấy ngon nhất trần đời 🙂

Ăn xong cơm tấm ghé vào cafe Bon ngay ngã ba Lý Thường Kiệt – 2/9, nhiều đồ cổ, chếch bên kia đường là một dinh thự hai tầng từ thời Pháp giờ là Sở TTTT.

Đi đâu cũng muốn ghé coi nhà thờ, thế nên chạy ra ngó nhà thờ chánh toà Vĩnh Long (nhớ tập 1 của Ván bài Lật ngửa với giám mục Ngô Đình Thục chủ quản giáo phận Vĩnh Long). Tiếc là trời tối, nhà thờ đóng cửa tối om, bên ngoài khuôn viên cũng tối và toàn cây to chắc phải hàng chục năm tuổi. Nhất định có lần phải ghé qua ban ngày. Nhà thờ đơn giản nhất từng biết, như một cái ngôi nhà lớn với mái ngói.

Rời Vĩnh Long chạy chừng 45 phút theo QL80 là tới Sa Đéc.

Cần Thơ

Sau khi cafe xong thì chạy đi mua cơm tấm cho bạn Gấu, trước khi mua thì ghé vào nhà thờ chánh toà Cần Thơ. Nhà thờ Cần Thơ không lớn lắm (so với quy mô thành phố) tuy nhiên có khoảng sân rất rộng phía trước, nhà thờ cũng nằm về phía bên trái thay vì nằm giữa khu đất như thường thấy. Bên trong nhà thờ trang trí đơn giản và cũng không có các cửa sổ kính màu.

Cái đặc biệt nhất của nhà thờ Cần Thơ có lẽ là tháp chuông nằm bên ngoài, một kiến trúc bằng bêtong 3 chân với 3 quả chuông và hệ thống dây kéo. Đây là tháp chuông “thông thoáng” nhất từng biết, thường tháp chuông kín mít và nằm tít trên cao.

Trong nhà thờ vừa xong lễ rửa tội cho 2 em bé, ngoài sân có một nhóm hướng đạo sinh.

Nhà thờ chánh toà Cần Thơ

Lòng vòng ở Cần Thơ còn thấy một trường học vẫn còn giữ lại toà nhà với kiến trúc xưa cũ, giống như ngôi trường THPT của tôi ngày xưa cũng có hai dãy nhà có từ đầu những năm 1950s khi thành lập trường.

P.S. Chuyến đi này từ 02-2017, viết xong bỏ quên, hôm nay mới thấy nên publish.

Phượt xe máy qua phà Cần Giờ – Vũng Tàu

Tôi đi phà ra Vũng Tàu một chiều đông nắng toả 😅 (ăn theo Thái Bảo hát).

Nghe nói về tuyến phà Cần Giờ – Vũng Tàu cũng khá lâu rồi, xong mấy tháng trước có thấy mọi người chia sẻ thông tin chi tiết hơn trên một group thấy cũng hay hay, dự định phải đi Vũng Tàu qua ngả này một lần coi xem phà đi trên biển nó thế nào. Chờ mãi cái action cam mua dịp Black Friday để gắn vào xe máy nên cuối cùng lại thành chuyến phượt cuối năm. Nhưng lại hay, vừa đẹp những ngày cuối năm thời tiết đẹp, cảnh đẹp 🤩

Sau vài năm sửa chữa giờ đường rừng Sác coi như đã xong toàn tuyến, phẳng đẹp, tốc độ max. xe máy 60Km, ô tô 80Km tha hồ mà chạy. Chừng 3-4 năm trở về trước thì đường xấu điên, mặt đường hư toàn tập như trải đá dăm đi vừa bụi vừa nguy hiểm, ổ gà dù nhỏ nhưng chi chít đi ô tô thì cứ phang đại chứ không biết tránh sao cho hết. Đường đã vắng đi giữa tuần lại còn vắng nữa, ai ở Sài Gòn mà chưa đi hơi phí 😂. Đây là lần thứ hai tôi đi xe máy xuống Cần Giờ.

Xuống Cần Giờ là ai cũng nghĩ tới ra chợ hải sản ở bãi 30/4, tôi cũng từng ghé đấy một lần coi xem mọi người khen rẻ với ngon với mua rồi nấu nướng luôn nó thế nào… rất rẻ mà lại rất ngon toàn kiểu mystery ấy. Toàn là tào lao, ở đấy xô bồ như một cái chợ, không rẻ mà cũng chẳng ngon. Tôi hay ghé mấy quán nhỏ nhỏ của người dân rải rác dọc đường, 3-4 năm lại đây là quán Bà Ly ngay trên đường đi vào Cần Thạnh, hải sản tươi, giá hợp lý. Quán có con mèo già rất ghê, nó cứ thấy ăn là chạy ra kêu gào, ông bà chủ quán đuổi nó vào nó cũng không sợ, mấy con chó thì sợ, bọn mèo là thế, rất láo. Tôi thì kệ, có nó cũng vui 😀

Thường là bao giờ cũng chạy ra ngó biển một tí, lần này bãi biển chỗ đầu phía dưới con đường đi từ bãi 30/4 không biết sao đã bị rào kín (lần cuối tôi đi là có hàng rào B40 nhưng vẫn có đoạn bị người dân xé ra đi qua được). Lần này phải chạy vào đường Bùi Lâm mới có lối ra bãi biển. Bãi biển ở đây rộng và phẳng còn đẹp hơn Vũng Tàu, mỗi tội đen ngòm toàn bùn 😀

Dọc đường còn mua mấy quả xoài, không biết có phải do vùng nước lợ ở đây thế nào mà xoài ngon cực kỳ và đây mới là một đặc sản của Cần Giờ chứ không phải hải sản. Ngon nên giá không rẻ, đắt hơn Sài Gòn nhé và người bán cũng biết điều đó :D. Trước còn mua được một vài thứ nữa nhưng giờ chỉ còn xoài, mà cũng ít thấy bán lắm rồi.

Chạy vào Cần Thạnh, tới chợ quẹo trái xong cứ chạy hết đường là tới bến phà. Chắc phà còn mới và ít người đi nên từ bãi tới phà đều rộng đẹp. Phà sơn trắng còn mới đẹp, xe máy và ô tô để tầng dưới, hành khách ngồi tầng trên có máy lạnh. Quang cảnh chung quanh bến phà một chiều nắng gió rất đẹp. Hai người và xe máy hết 190K tiền vé, hình như cứ chẵn giờ là có một chuyến, một chuyến đi hết chừng 30 phút.

Phà cứ thẳng hướng Vũng Tàu mà chạy, vùng này cũng lặng sóng nên phà chạy êm, hành khách một số ít là khách du lịch có cả người nước ngoài còn lại thì là những người đi thường xuyên, ví dụ ở Cần Giuộc họ đi Vũng Tàu đường này cũng gần hơn nhiều so với đi vòng qua TPHCM như trước. Hành khách được ra đứng hai bên cabin phía trước tàu thoải mái mà ngó trời ngó biển và quay phim chụp ảnh, bọn ra hóng là toàn bọn đi chơi 😀

Phà cập bến Vũng Tàu ở phía đầu đường Trần Phú, phía này tàu thuyền tấp nập nên từ khi còn cách bờ chừng 15 phút đã toàn mùi xăng dầu khá khó chịu. Bến phà ở đây thì như mọi bến phà nên không có gì đáng nói cả. Tôi chạy một dọc theo biển về dừng chân ở công viên tam giác, đây là một khu vực đẹp của Vũng Tàu mà tôi thường loanh quanh đi bộ mỗi sáng Chủ nhật khi xuống đây. Tôi không biết mấy người cứ hô hào văn hoá đọc với lại đường sách có biết cái đường sách ở đây nó lèo tèo thế nào, thường chỉ hoạt động cuối tuần và tiệm cafe cũng nhiều hơn tiệm sách. Còn lần này thì đã dẹp hẳn, sao dẹp thì chịu vì hỏi một chị ở nhà sách Hoàng Cương chị cũng nói thành phố nói dẹp chứ cũng không biết sao. Thế mà ở Sài Gòn người ta còn tính mở đường sách ở mấy quận nữa cơ đấy 😀

Xuống Vũng Tàu lần nào tôi cũng phải ghé phở Thìn, chứ hải sản có khi lại không ăn, hải sản thì Sài Gòn có thiếu gì (chỉ sợ thiếu tiền) chứ phở Thìn thì đúng là Sài Gòn không có. Lần đầu tiên ăn tối ở đây, trước khi ghé còn không biết quán có bán tối không, tới nơi thấy ông chủ đang hì hụi sửa cái bồn nước rửa tay cho khách, quán thì không có khách nào, phải hỏi trước khi dựng xe, hên là quán vẫn mở buổi tối 😀 (xui là hết quẩy). Tôi đúng khách hàng tốt, vào phát là thấy khách ghé tới tấp.

Ăn phở xong còn phải đi tìm nhà sách Hoàng Cương (vì ở đường sách đã dẹp tiệm) để mua cho được quyển Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ. Cuối cùng tôi lo cuống lên thế hoá ra thừa, còn tại sao thừa thì hơi dài dòng duyên nợ với quyển sách này, chờ đọc post sau sẽ rõ 😀

Đây cũng là lần thứ hai tôi đi xe máy xuống Vũng Tàu, lần đầu tiên đã cách đây hơn 10 năm, còn lần đầu tiên tôi đến Vũng Tàu đâu cách đây hai mươi mấy năm rồi.

Sáng hôm sau cafe xong quyết định chạy lên núi Nhỏ ghé coi cái bãi pháo một tí, chứ ngọn hải đăng (cũng trên núi Nhỏ) thì tôi không có hứng thú gì mấy, và cũng đã lên đó một lần. Đây là lần đầu leo núi bằng xe máy chứ lần trước cả nhà đi bộ tính từ khách sạn chắc cũng 5km gì đó, khó mà nói là không mệt được :D. Nhưng đi xe máy hay đi bộ đều có cái hay của nó, vậy nên trải nghiệm cả hai.

Đường lên mấy ngọn núi ở đây đều đẹp và vắng, trời xanh và nắng nhưng luôn có gió mát. Chỉ có một điểm không thích là bộ đội luôn chặn mất các con đường nên không thể nào đi hết mọi chỗ được.

Bãi pháo chỉ còn tàn tích là các lô cốt kiên cố nửa chìm nửa nổi, pháo đã bị lấy đi hết rồi, nếu muốn biết mấy khẩu pháo ngày trước để ở đây nó dài mười mấy mét vào cỡ nòng tới 300mm nó lớn thế nào thì hãy leo lên tượng Chúa. Đấy là pháo mang ở đây về chứ không ai bố trí pháo ở chỗ đó cả 😀

Chiều về chạy theo QL51 và qua phà Cát Lái thì chán ngắt mà không có lựa chọn nào khác, nếu có lần tới có khi lại đi phà về Cần Giờ có khi khoẻ hơn. Tôi đi chuyến này cuối tháng 12-2023 nhưng mãi tới hôm qua mới ngồi biên tập lại đống ảnh và video, đấy là lý do hôm nay mới có post này, thế mà đã 4 tháng rồi đấy 🙂

Trọn bộ Lịch sử Văn minh Thế giới của Will & Ariel Durant đã được dịch ra tiếng Việt

Ngày 07/04/2024 vừa qua IRED đã chính thức giới thiệu trọn bộ Lịch sử Văn minh Thế giới với phần hoàn thành cuối cùng là phần VI có tên Phong trào Cải cách. Vậy là cuối cùng, lần đầu tiên bộ sách lịch sử khổng lồ này cũng đã được dịch toàn bộ sang tiếng Việt. Điều này rất quan trọng và cũng là điều mà nhiều người quan tâm bộ sách này, có tôi, rất sợ: dự án bị “đứt gánh giữa đường”. Bộ sách này chắc chắn sẽ ghi nhận nhiều kỷ lục trong Guiness Việt Nam như bộ sách dịch lớn nhất, và thậm chí nặng nhất luôn (11 phần với 45 quyển bìa cứng), có khi còn nhiều dịch giả nhất (5 người).

Những ai quan tâm tới bộ sách này chắc có biết là ngày trước học giả Nguyễn Hiến Lê đã từng dịch phần 1 ( nhưng không phải dịch nguyên bản) mà ngày nay vẫn được xuất bản. Ông đã mua bản quyền bộ sách nhưng không dịch được vì đơn giản là không có đủ người mua sách, nếu dịch và xuất bản thì lỗ nặng.

Tôi biết đến bộ sách này lần đầu từ đâu những năm 2003-2005 qua một diễn đàn, cũng từng xin được trọn bộ ebook nhưng mà quả thực không biết mấy ai đọc được trọn bộ này từ English trên máy tính :). Để đó lúc nào nhớ ra mở ra coi chơi thì có, cũng 20 năm rồi. Còn nhớ ngày đó tôi cũng mò vào Amazon tìm mua bộ sách này, nguyên bộ sách cũ in từ những năm 1970s nó gồm 11 quyển khổ lớn dày cỡ 1.000 trang/quyển tổng cộng đâu tới hơn 40kg. Bây giờ mà tha được nó về còn tốn kém chứ nói gì 20 năm trước, thích thì tìm cho vui vậy thôi chứ mua bán sao nổi 😀

Quay trở lại với bộ sách tiếng Việt, phần 11 – phần cuối – lại là phần được xuất bản đầu tiên vào năm 2019 (tôi đã có khoe một lần ở đây). Vì một lý do nào đó bộ sách này được dịch không theo thứ tự bắt đầu từ phần 1, cũng không theo thời gian xuất bản bộ sách gốc. Tới nay tôi cũng đã có đủ 10 phần, phần VI cuối cùng mới ra giá còn đắt nên chưa đủ tiền mua :P. Nói thế thôi, tôi thấy sách cũng giống như iPhone, ai mua giá bìa giống như mua iPhone lúc mới ra mắt, chịu chơi thì phải tốn tiền hơn. Giá thực của sách là giá sale 20% so với giá bìa bởi vì phần lớn sách được bán giá này và nhiều nơi bán luôn giá sale 20% này từ ngày sách ra mắt chứ không phải do ế ẩm gì. Giá sách mua rẻ là phải sale 35% hoặc hơn nữa, quả thực là có rất nhiều quyển sách hay mà lại ế ẩm có lúc sale 50% vẫn còn, không lẽ mỗi lần vậy thấy tiếc lại mua thêm vài quyển về bày?

Liên quan tới chuyện tiền bạc :D, trong buổi ra mắt vừa rồi bà Quách Thu Nguyệt cũng có chia sẻ là đã từng lo rằng dự án sẽ “đứt gánh giữa đường” vì nó lớn quá, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để hoàn thành. Nhưng ngay cả hôm nay, dù phần khó nhất đã hoàn thành nhưng chưa chắc dự án đã thành công thực sự nếu xét về sự lan toả văn minh của bộ sách tới người đọc Việt Nam. Mỗi lần xuất bản chỉ 1.000 bản (con số đẹp của ngành sách VN từ khá nhiều năm nay) mà có khi còn bán không hết thì hỏi rằng lan toả được tới mấy người, trong khi ít ra phải 3.000 bản mới hoà vốn. IRED của bác Giản Tư Trung chắc vừa có nguồn lực lớn vừa tâm huyết cũng lớn mới dám dịch bộ sách này chứ như học giả Nguyễn Hiến Lê ngày trước thì cũng lực bất tòng tâm.

Nói hay là hay vậy chứ thể loại sách này đúng là rất ít người đọc, mấy người thấy hay chắc cũng tụ tập gần đủ ở buổi ra mắt này rồi, ngoài kia còn mấy ai muốn mua :). Một ví dụ là sách hay in ít mà vẫn ế là bạn hãy đến Phương Nam Bookstore ở Vạn Hạnh Mall, ở đấy có một kệ lớn bày từng chồng các phần của bộ sách này từ lâu rồi. Sách lại bọc nylon nên mọi người còn ngại không mở ra ngó ấy chứ :). Bạn mua sách giá nào, sale cỡ mấy cũng được, cứ có người mua là còn bán được, chỉ sợ là không có ai mua.

Sách bìa cứng, giấy in rất đẹp nhưng có lẽ đây là điều duy nhất tôi không thích của bộ sách này vì tôi vốn ghét bìa cứng (tốn tiền, mỏi tay). Tôi thích bản in lớn hơn và bìa mềm nhưng tốt, kiểu như nhiều sách của Nhã Nam.

Lịch sử Văn minh Thế giới của Will & Ariel Durant

The Americans – nguy hiểm từ bên trong (p.4)

Paige đã quyết định đòi phải biết sự thật về cha mẹ cô, và cô ấy đã biết được một phần sự thật về gia đình mình. Ngay cả Gabriel – handler hiện tại của Philip và Elizabeth – cũng cho rằng đấy là một động thái phải làm, có lẽ họ ám chỉ việc để Paige dần làm quen với sự thật là bước chuẩn bị để gia nhập KGB. Sau thảm kịch do Jared gây ra KGB vẫn không từ bỏ ý định đào tạo con của các agent trở thành thế hệ agent thứ hai ở Mỹ, tất nhiên là người cộng sản dễ gì từ bỏ 🙂

Tuy vậy thực tế cho Paige biết sự thật càng ngày càng gây ra thêm nhiều rắc rối. Dù yêu cầu đầu tiên là không được tiết lộ với bất kỳ ai và biết sự thật nghĩa là phải chịu trách nhiệm nhưng Paige tỏ ra không kiểm soát được mình khi thường xuyên chất vấn về công việc của cha mẹ và về gia đình. Chuyến đi tới Tây Đức để Elizabeth gặp lại mẹ lần cuối và Paige có cơ hội gặp bà của mình cũng không giúp mọi chuyện khá hơn. Paige đơn giản là vẫn không tin cha mẹ mình, và hoàn toàn không hiểu tại sao họ lại làm agent.

Lo ngại của Philip và Elizabeth khi Paige tham gia sinh hoạt ở một nhà thờ và sau đó còn cải đạo theo Tin lành là hoàn toàn hợp lý, tiếc rằng họ đã không thể ngăn chặn được việc đó, cũng như đã phải tiết lộ sự thật. Tôi cho rằng đây là hai nước đi sai lầm nhất, và họ có thể bị hạ gục bởi lý do này thay vì bị FBI hay CIA gài bẫy.

Chuyện gì phải đến cuối cùng đã đến, Paige đã tiết lộ cha mẹ mình là người Nga cho pastor Tim. Paige đơn giản là đã không giữ lời hứa giữ bí mật và sẽ không chỉ chừng đó thông tin bị tiết lộ. Paige là một teenager và mất lòng tin vào gia đình mình, thiếu kinh nghiệm sống (tất nhiên rồi), tin tưởng hoàn toàn pastor Tim thì làm sao mà giữ nổi bí mật gì.

The Americans – nghề nguy hiểm (p.3)

Tôi đã xem tới season 3, Philip mới nhận được một tin buồn từ cấp trên rằng Irina mới bị bắt một tháng trước đó ở Brazil và sẽ được đưa về Liên Xô để xét xử. Irina không phản bội tổ quốc mà chỉ đơn giản là cô ấy thấy đã cống hiến đủ rồi và muốn trốn chạy để sống một cuộc sống mới. Nhưng đấy cũng là một tội và dù có chạy qua Brazil thì vẫn không thoát. Cậu con trai của họ nay đã 20 tuổi và đang trong quân đội là có thật, đúng như Irina đã nói khi họ gặp nhau ở NYC hai năm trước, lần đầu sau 20 năm xa cách, và giờ thì chắc chắn đó cũng là lần cuối.

Ngoài công việc thì giờ Philip và Elizabeth cũng có những rắc rối nhỏ với Paige, cô con gái 14 tuổi của họ. Cô bé này do vô tình quen một cô bạn rồi đã tham gia sinh hoạt ở một nhà thờ, thậm chí cuối cùng đã quyết định trở thành một tín đồ Tin lành. Paige là một teenager Mỹ và muốn tự do, muốn chứng tỏ bản thân, và thực ra cũng chưa có làm việc gì không đúng nhưng với những người cộng sản như cha mẹ cô bé thì đấy là một cú sốc.

Một rắc rối lớn với Paige mà họ không muốn nhưng cũng không có lựa chọn nào khác là KGB đã chọn Paige (cũng như những đứa con của các điệp viên khác) để đào tạo thành thế hệ điệp viên thứ 2 ở Mỹ. Câu chuyện Jared đã lén làm việc cho KGB mà chính cha mẹ cậu (một cặp vợ chồng điệp viên khác) không biết, rồi trong một phút nóng giận đã bắn chết cả cha mẹ và em gái mình là một thảm kịch kinh hoàng mà Philip và Elizabeth cùng những đồng đội KGB khác của họ đã không bao giờ tưởng tượng ra.

Họ cũng được yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm hơn và có lần cũng suýt mất mạng khi gặp các đối thủ không phải hạng vừa. Dù chậm nhưng theo thời gian và xâu chuỗi các vụ việc FBI cũng từ từ nhận dạng được kẻ thù của họ, lưới được giăng ra và ngày càng thu hẹp lại. FBI cũng suýt nữa bắt được một con cá to và Elizabeth cũng thêm một lần chết hụt. CIA cũng muốn giăng một cái lưới của họ.

Họ cảm thấy mệt mỏi hơn trước, có nhiều rắc rối đời thường hơn, nhiều đồng đội của họ gục ngã hơn, và họ cũng đã cảm thấy rõ hơn nhiều mối nguy hiểm đang rình rập. Không có gì là ngạc nhiên nếu một ngày nào đó một người rời nhà để thực hiện nhiệm vụ và không bao giờ trở về.