Trọn bộ Lịch sử Văn minh Thế giới của Will & Ariel Durant đã được dịch ra tiếng Việt

Ngày 07/04/2024 vừa qua IRED đã chính thức giới thiệu trọn bộ Lịch sử Văn minh Thế giới với phần hoàn thành cuối cùng là phần VI có tên Phong trào Cải cách. Vậy là cuối cùng, lần đầu tiên bộ sách lịch sử khổng lồ này cũng đã được dịch toàn bộ sang tiếng Việt. Điều này rất quan trọng và cũng là điều mà nhiều người quan tâm bộ sách này, có tôi, rất sợ: dự án bị “đứt gánh giữa đường”. Bộ sách này chắc chắn sẽ ghi nhận nhiều kỷ lục trong Guiness Việt Nam như bộ sách dịch lớn nhất, và thậm chí nặng nhất luôn (11 phần với 45 quyển bìa cứng), có khi còn nhiều dịch giả nhất (5 người).

Những ai quan tâm tới bộ sách này chắc có biết là ngày trước học giả Nguyễn Hiến Lê đã từng dịch phần 1 ( nhưng không phải dịch nguyên bản) mà ngày nay vẫn được xuất bản. Ông đã mua bản quyền bộ sách nhưng không dịch được vì đơn giản là không có đủ người mua sách, nếu dịch và xuất bản thì lỗ nặng.

Tôi biết đến bộ sách này lần đầu từ đâu những năm 2003-2005 qua một diễn đàn, cũng từng xin được trọn bộ ebook nhưng mà quả thực không biết mấy ai đọc được trọn bộ này từ English trên máy tính :). Để đó lúc nào nhớ ra mở ra coi chơi thì có, cũng 20 năm rồi. Còn nhớ ngày đó tôi cũng mò vào Amazon tìm mua bộ sách này, nguyên bộ sách cũ in từ những năm 1970s nó gồm 11 quyển khổ lớn dày cỡ 1.000 trang/quyển tổng cộng đâu tới hơn 40kg. Bây giờ mà tha được nó về còn tốn kém chứ nói gì 20 năm trước, thích thì tìm cho vui vậy thôi chứ mua bán sao nổi 😀

Quay trở lại với bộ sách tiếng Việt, phần 11 – phần cuối – lại là phần được xuất bản đầu tiên vào năm 2019 (tôi đã có khoe một lần ở đây). Vì một lý do nào đó bộ sách này được dịch không theo thứ tự bắt đầu từ phần 1, cũng không theo thời gian xuất bản bộ sách gốc. Tới nay tôi cũng đã có đủ 10 phần, phần VI cuối cùng mới ra giá còn đắt nên chưa đủ tiền mua :P. Nói thế thôi, tôi thấy sách cũng giống như iPhone, ai mua giá bìa giống như mua iPhone lúc mới ra mắt, chịu chơi thì phải tốn tiền hơn. Giá thực của sách là giá sale 20% so với giá bìa bởi vì phần lớn sách được bán giá này và nhiều nơi bán luôn giá sale 20% này từ ngày sách ra mắt chứ không phải do ế ẩm gì. Giá sách mua rẻ là phải sale 35% hoặc hơn nữa, quả thực là có rất nhiều quyển sách hay mà lại ế ẩm có lúc sale 50% vẫn còn, không lẽ mỗi lần vậy thấy tiếc lại mua thêm vài quyển về bày?

Liên quan tới chuyện tiền bạc :D, trong buổi ra mắt vừa rồi bà Quách Thu Nguyệt cũng có chia sẻ là đã từng lo rằng dự án sẽ “đứt gánh giữa đường” vì nó lớn quá, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để hoàn thành. Nhưng ngay cả hôm nay, dù phần khó nhất đã hoàn thành nhưng chưa chắc dự án đã thành công thực sự nếu xét về sự lan toả văn minh của bộ sách tới người đọc Việt Nam. Mỗi lần xuất bản chỉ 1.000 bản (con số đẹp của ngành sách VN từ khá nhiều năm nay) mà có khi còn bán không hết thì hỏi rằng lan toả được tới mấy người, trong khi ít ra phải 3.000 bản mới hoà vốn. IRED của bác Giản Tư Trung chắc vừa có nguồn lực lớn vừa tâm huyết cũng lớn mới dám dịch bộ sách này chứ như học giả Nguyễn Hiến Lê ngày trước thì cũng lực bất tòng tâm.

Nói hay là hay vậy chứ thể loại sách này đúng là rất ít người đọc, mấy người thấy hay chắc cũng tụ tập gần đủ ở buổi ra mắt này rồi, ngoài kia còn mấy ai muốn mua :). Một ví dụ là sách hay in ít mà vẫn ế là bạn hãy đến Phương Nam Bookstore ở Vạn Hạnh Mall, ở đấy có một kệ lớn bày từng chồng các phần của bộ sách này từ lâu rồi. Sách lại bọc nylon nên mọi người còn ngại không mở ra ngó ấy chứ :). Bạn mua sách giá nào, sale cỡ mấy cũng được, cứ có người mua là còn bán được, chỉ sợ là không có ai mua.

Sách bìa cứng, giấy in rất đẹp nhưng có lẽ đây là điều duy nhất tôi không thích của bộ sách này vì tôi vốn ghét bìa cứng (tốn tiền, mỏi tay). Tôi thích bản in lớn hơn và bìa mềm nhưng tốt, kiểu như nhiều sách của Nhã Nam.

Lịch sử Văn minh Thế giới của Will & Ariel Durant

Kinh Thánh có cần phải khổng lồ?

(như bản in của Alpha Books) 🤔

Hai bản in Kinh Thánh của Alpha Books này đã có chắc cũng phải gần năm nay rồi, không phải mới, là vì hôm nay lại mới thấy nó trong một nhà sách, và lại dịp Giáng sinh, nên mới vẽ chuyện chuyện để nói 😂

Ngay từ khi thấy Alpha Books quảng cáo tôi đã tự hỏi không biết sao họ có thể in Kinh Thánh ra thành những hai quyển to đến như vậy. Theo như ghi trên bìa thì thì đây là bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, vậy là từ năm 1974, bản dịch này được khen rất nhiều kiểu như là bản “hay” nhất. Một bản in của bản dịch này, còn giữ nguyên kiểu chữ rất xấu ngày trước (1974), cũng chỉ dày cỡ 1/2 quyển đỏ (hoặc gần 2 quyển xanh), giá 800K như tôi nhớ.

Quyển Kinh Thánh bìa đen ở giữa thì còn nhỏ nữa, tất nhiên là nhờ giấy mỏng và chữ nhỏ, cả bộ Kinh Thánh cũng chỉ cần trong một quyển như vậy. Quyển này là bản dịch mới, và như giới thiệu về dự án dịch kéo dài đâu tới hơn 20 năm (rất kỳ công), cộng với đọc qua một phần thì tôi thích bản này hơn, lời văn theo thời bây giờ dễ đọc hơn là lời văn từ mấy chục hay cả trăm năm trước. Bản này là của bên Tin lành, nên chắc bên Công giáo không đọc 🙂. Quyển này như tôi biết giá bìa đâu 350K.

Trở lại tại sao hai bản in Kinh Thánh của Alpha Books lại khổng lồ tới như vậy, chắc chỉ có là in chữ to như con gà mái, có lẽ vì sẽ phải để ở trên một cái bàn khá xa mắt chứ to thế kia đọc được đôi trang chắc mỏi tay luôn 😂. Tôi không thể ngó thử vào trong vì quyển nào cũng bọc nylon kín và xui là chưa có ai đủ tò mò mà lén bóc nylon ra cả. Mà cũng không dám bóc thật vì giá nó trên trời, quyển xanh đâu đã 600K, bóc ra mà bị bắt đền chắc chết 😂. Alpha Books rất hay làm sách khủng bố, giá cao ngất rồi ế dài, sale 50% vẫn ế, đôi lúc tôi tự hỏi không lẽ họ rửa tiền 😂 (hay là muốn vào kỷ lục Guinness?).

Còn một bản Kinh Thánh khác cũng là mới dịch, bản này mới hay vì ở đầu mỗi sách còn có một cái summary về bối cảnh lịch sử khi viết sách đó, rất hay mà tôi không biết bản dịch nào khác có được. Mở ngoặc sách ở đây là một… sách trong cả bộ Kinh Thánh, mà tuỳ quan điểm có từ hơn 60 tới hơn 70 quyển. Bản dịch này tôi chỉ thấy online, ai tò mò chịu khó google chắc thấy, tôi thì giờ cũng không nhớ sao google ra nữa rồi 😂

Lan man vài dòng của dân ngoại đạo chạy lòng vòng bên ngoài chém gió, dân có đạo lỡ có đọc mà thấy chém tào lao chỗ nào thì bỏ qua cho 😅

Lâu rồi mới lại thấy Kindle

Trong suốt chừng 5 năm vừa qua tôi đi xe bus gặp đúng một lần có người đọc sách, tất nhiên là rất lạ nên lén để ý mấy lần mới nhìn ra cái bìa. Là ông “Tony buổi sáng” 😂 (mở ngoặc là sao 😂, vì ông Tony gì đó tất nhiên là ai mà nghe đài đọc báo đều phải biết rồi, nhưng style này tôi không thích nên không để ý). Mở ngoặc lần nữa là đang nói đọc sách giấy, chứ còn đọc ebook trên điện thoại thì chịu sao biết vì gần như ai cũng cắm mặt vào điện thoại, chính tôi cũng đọc ebook trên xe bus suốt, và chắc cũng là người hiếm hoi cầm sách giấy đọc nữa. Cố phát nữa, nhưng đi xe bus giờ đẹp nhất là nghe podcast, đọc trên xe dễ hư mắt (mắt tôi thì hư sẵn rồi 😂).

Kể từ đâu 2008-2009 khi tôi cũng đua đòi theo trend mua một cái Kindle 3 rất hot lúc đó thì cũng thấy khá nhiều người đọc trên Kindle, nhưng là về sau này khi Kindle có gắn thêm đèn rồi. Lần gần đây nhất thấy một ông có Kindle hình như là ông Gia Huy Luong, còn từ rất lâu rồi sáng nay mới gặp một thanh niên trẻ trong thang máy đọc Kindle, mà nó đọc loại gì size nhỏ, chữ thì lại để to tướng cứ phải lật trang liên tục.

Sau đâu 2-3 năm thì thú thật là tôi cũng không mấy đọc Kindle nữa, tác dụng còn lại của Kindle là như một khung ảnh động để bày trên bàn hay giá sách cũng hay, nó random hiện một số writers mà tôi không biết ai cả ngoài John Steinbeck (nhà văn yêu thích của tôi với tác phẩm nổi tiếng “Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ”, tít dịch rất hay mà tít English có khi còn hay hơn 🤩). Còn một số điều đáng nhớ nho nhỏ với tác phẩm này, nhưng thôi không muốn nói nữa 😂. Do xài e-ink nên pin sạc một lần là “khung ảnh” được xài cả tháng.

Nhớ lần mới rước được cái Kindle 3 từ tận Amazon xa xôi tôi hào hứng lắm, viết review rõ dài (mà cái forum đó chết toi từ lâu rồi). Ngắn gọn là Kindle xài e-ink nên không hại mắt, pin lâu kỷ lục, format ebook đơn giản vì toàn text nên có thể nhét cả một thư viện trong túi. Tóm lại về mặt công nghệ hiện đại thì rất hay, mà không hại điện, Kindle 3 mua cũng đâu vài chục $, rất rẻ. À Kindle còn dùng để đọc báo, bài nào muốn đọc có thể chọn read it later và email vào Kindle, nhưng về sau các tool đọc như Pocket đã tiện lợi hơn nhiều nên chức năng này cũng không cần dùng mấy.

Nhưng xài Kindle có một số bất tiện, nó chỉ hữu ích nhất với ai thích sách văn học vì 3 lý do: có sẵn rất nhiều, sách mới cũng được cộng đồng typing nhanh, và chủ yếu là text cũng như không hay phải note/highlight. Các loại sách của các lĩnh vực hẹp hơn thường rất ít, hoặc rất lâu có sách mới – bạn nghĩ đúng đấy, tôi đang nói về sách download và nghĩa là vi phạm bản quyền, nhưng sách tiếng Việt mà muốn mua cho Kindle thì cũng không có (gần đây tôi không chắc, và một số NXB của Việt Kiều thì hình như có bán trên Amazon cho Kindle). Giải pháp mỗi cty phát hành có một app reader riêng và chỉ đọc ebook của mình, dù là cách gần như duy nhất để bảo vệ bản quyền nhưng theo tôi sẽ sớm chết yểu hoặc cứ dặt dẹo mãi thôi, tôi thà mua sách giấy chứ không vì muốn đọc một ebook (dù giá rất rẻ) mà phải xài riêng một cái reader app (you want a banana but you get a gorrila holding the banana and the entire jungle, cảm giác này tôi trải nghiệm suốt nhiều năm nay 😂).

Xài Kindle mà đọc một lèo thì sướng (loose yourself in your reading), chứ phải search với lật đi lật lại, note/highlight thì quá là cực hình, mà Kindle sau này còn không có bàn phím không hiểu làm thế nào! Thế nên Kindle hay thì hay thật mà tôi lại đọc Books app (của Apple) trên iOS/macOS hơn, đẹp vô địch, kém mỗi Kindle khoản hại mắt 😛. Sau sách EPUB đọc với Books thì lựa chọn đại chúng vẫn là PDF, nói chung nó hơn EPUB ở chỗ số lượng sách nhiều hơn, nhưng nó chỉ đọc được trên máy tính vì nó rất ngu, không biết cho giãn text như EPUB mà cứ nhét nguyên một trang trên màn hình điện thoại thì đọc thế chó nào được (ghét bọn Adobe độc quyền). Nhớ dạo Kindle làm mưa làm gió các chuyên gia thi nhau dự đoán là sách giấy sẽ chết, đúng là B&N có đóng cửa thật nhưng mà sách giấy vẫn sống khoẻ đó thôi.

Mời mò ra cái Kindle trên giá sách, mang ra sạc pin, 13-14 năm gì đó vẫn chạy tốt, màn hình hơi lỗi tí thôi.

Biên niên sử Singapore (Singapore Chronicles)

Năm 2015 kỷ niệm 50 năm lập quốc Singapore đã xuất bản một bộ sách Biên niên sử Singapore (Singapore Chronicles) gồm 50 tập giới thiệu ngắn gọn về đủ mọi mặt đất nước Singapore.

Đây là một quyển hiếm hoi trong bộ sách đấy được dịch ra tiếng Việt do tác giả là cố vấn cho một công ty quy hoạch đô thị là công ty tài trợ dịch quyển sách này. Tôi cũng nghĩ không có nhiều người quan tâm nên chắc sẽ khó có chuyện cả bộ sách được dịch (chính xác số người ghen tị và nói Singapore là độc tài, vi phạm nhân quyền blah blah gì đó chắc nhiều hơn nhiều 😃).

Quyển sách này nói về quy hoạch đô thị, một trong những thành tích đã làm biến đổi hoàn toàn bộ mặt đất nước Singapore, và trong đó hẳn rất nhiều người đã biết tới HDB – cơ quan chịu trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội – nhân tố quyết định giúp tới 90% người dân Singapore có nhà ở.

Còn chương trình nhà ở xã hội ở VN thì sao? mười mấy hai mươi năm nay nó vẫn rối như canh hẹ và mục tiêu mới nhất là xây 1 triệu căn hộ tới năm 2030, thật to tát 😃

Dưới đây là trích dẫn lời tựa của quyển sách Biên niên sử Singapore về Quy hoạch đô thị.

“Để kỷ niệm 50 năm độc lập của Singapore vào năm 2015, Viện Nghiên cứu Chính sách đã ra mắt Singapore Chronicles (Biên niên sử Singapore). Bộ sách cung cấp những lời giới thiệu ngắn gọn về nhiều khía cạnh khác nhau của đất nước này, từ lý thuyết đến thực tiễn, triết lý đến thực tế đời sống. Được các chuyên gia viết cho các độc giả thông thái, mỗi quyển trong bộ 50 tập sách đều biến các chủ đề phức tạp thành dễ tiếp cận với đông đảo đối tượng người đọc nhất có thể.

Bộ Biên niên sử Singapore ghi lại câu chuyện về đảo quốc Singapore. Một số tập viết về các cột mốc quan trọng trong lịch sử đất nước – từ Singapore thời tiền thuộc địa đến khi tách khỏi Malaysia. Một số tập viết về kinh tế, xã hội, chính trị, cộng đồng, văn hóa, động thực vật và ẩm thực Singapore. Có những tập mô tả những thể chế quan trọng của quốc gia – trong đó có văn phòng chính phủ, bộ máy tư pháp, quân đội, các đảng chính trị và công đoàn. Dù là sinh viên hay là những người ham học hỏi, là công dân Singapore hay du khách, trẻ hay già – nếu bạn muốn hiểu điều gì đã làm nên Singapore ngày hôm nay – hãy dành chút thời gian cho bộ sách này.

Biên niên sử Singapore nhắc chúng ta rằng Singapore là kỳ tích do con người tạo ra. Có thể cũng là lời nhắc nhở rằng Singapore không được định hình bởi những lời tán dương, mà bởi nỗ lực không ngừng của người Singapore để luôn làm tốt hơn, vượt qua chính mình, vượt xa những gì đã hoàn thành và đạt được.

Ngay từ đầu, câu chuyện của Singapore đã luôn hướng về tương lai.

Janadas Devan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách.”

Cần chuẩn bị gì để trẻ có thói quen đọc sớm

Cần gì? Chỉ cần 2 thứ đơn giản là mua sách cho con và bố mẹ cũng phải đọc. Để có không gian thì 1-2 tuần lượn nhà sách một lần. Cái thứ nhất với số đông không phải vấn đề vì chắc nó ít hơn nhiều tiền cafe, thuốc lá, nhậu hàng tháng; nhưng cái thứ hai với số đông chắc khó vì số đông ít đọc. Bố mẹ không đọc (có khi cũng ngồi lướt FB, TikTok, chơi game…) mà cứ bắt con nó yêu thích đọc sách, thật là mong muốn tao nhã 😂

Đừng trông mong gì vào các phong trào, chương trình, dự án… mà tuyệt đại đa số chỉ là vẽ, bùng lên, và nhanh chóng tắt lịm 😂

Hồi bạn Gấu chừng hơn 4 tuổi lúc đó First News đang phát hành bộ Lucky Luke (mỗi tuần ra một tập), Lucky Luke thì hấp dẫn quá rồi mỗi tội bạn ấy chưa biết đọc, chỉ xem hình. Thế nên bố mẹ bạn ấy phải thay nhau đọc cho bạn ấy biết hình vẽ nó nói gì. Chừng một năm sau là dần bạn ấy tự đọc, hình như bộ Lucky Luke là bộ truyện tranh đầu tiên bạn ấy đọc.

Lucky Luke 60 tập phát hành từ 01-2011 đến 06-2012, là bộ truyện tranh đầu tiên của bạn Gấu, từ mù chữ đến biết đọc 😃

Do bạn ấy chỉ tập đọc từ sớm nên khi vào lớp 1 thì đã “đọc thông” từ trước rồi, nhưng “viết thạo” thì không vì ở lớp mầm non 5 tuổi có tập viết được tí nào thì biết tí đó chứ ở nhà không có tập viết. Biết cả đọc cả viết luôn thì còn đi học làm gì nữa 😂. Sau đó khi học cấp 1 thì ở lớp các cô cũng không bắt ép phải viết chữ đẹp (như hay nghe các trường ở HN), ở nhà cũng không ép, thành ra bạn ấy giờ chữ xấu 😂 (mặc dù xài hết không biết bao nhiêu bút Doreamon viết chữ đẹp của Thiên Long 😛).

Gấu chữ xấu gặp phải con em họ cùng tuổi thì mất điện, vì nghỉ Tết rồi nó còn bò ra tập viết bài cô giáo giao nên chữ nó đẹp như in từ font trên máy tính 😃

Bộ truyện tranh Lucky Luke 60 tập do First News phát hành từ 01/2011 tới 06/2012

Đọc sách: Tâm lý học về tiền

Thường thì chắc mọi người sẽ thấy mấy quyển sách về tâm lý chắc có gì hay ho, tâm lý mà, nghe có vẻ gì đó bí hiểm :D. Tuy nhiên đọc rồi mới thấy, thường là sách về tâm lý đọc rất chán, rất khó nuốt dù đúng là cũng có nhiều cái hay. Vậy nên nếu có vô tình nhìn thấy quyển Tâm lý học về tiền này thì tôi chắc cũng không buồn ngó tới nó. Mấy năm qua tôi đã phải đọc mấy quyển tâm lý học về tư pháp, tội phạm, khá là hấp dẫn hơn nhiều kiểu tâm lý khác mà cũng thấy ớn rồi 😀

Tuy nhiên quyển này được highly recommend bởi một tờ tạp chí đầu tư, chính xác là được khen (gần) hết lời, có lẽ là vì quan điểm của ban biên tập tạp chí cũng tương đồng với nhiều điểm của tác giả. Tờ tạp chí kia bỏ ra 2 số có bài trích dẫn và bình luận vậy chắc là sách hay thật, cũng phải đọc thử xem sao chứ 🙂

Nói chung là sách thú vị, đáng để đọc (và không phải dạng sách self-help nếu có ai nghĩ vậy). Tuy sách thú vị nhưng những gì tác giả viết dù không mới lạ gì nhưng chắc sẽ khác số đông con người chúng ta hay nghĩ, nên tôi thấy thú vị, tờ tạp chí kia thấy thú vị, mà chưa chắc sách bán chạy 😛

Nội dung sách hay nhưng bản dịch này thì có vấn đề, câu cú xài từ rất nhiều chỗ cứ như như Tây còn ngắc ngứ tiếng Việt ấy. Và hạt sạn to nhất trong quyển sách này là, dù sách nói rất nhiều về thị trường chứng khoán và ngài Benjamin Graham thế nhưng dịch giả lại dịch tên một quyển sách nổi tiếng của ngài Graham – Security Analysis là Phân tích bảo mật (trang 208). Ngài Graham mà lại biết “những kỹ thuật phân tích bảo mật” (trang 209) nữa thì thật là ẩu hết biết. Cứ như không biết ngài Graham là ai. Dịch giả ẩu, ban biên tập sách (1980 Books) cũng ẩu mới để nó lọt tới bạn đọc 🙂

Tác dụng của đọc sách

Sáng nay bạn Gấu loạn xạ cả lên thông báo điểm thi, và không ngoài dự đoán, thứ tự điểm từ cao tới thấp là English, Văn, và Toán.

Sở trường của bạn ấy là English thì không cần bàn cãi, tương tự dốt nhất là Toán, còn dốt hơn cả tôi ngày trước 😃

Tuy nhiên môn Văn đáng chú ý hơn, điểm Văn của bạn ấy là hơi cao hơn kỳ vọng, có lẽ nhờ một lý do nằm trong đề Văn năm nay. Đề thi có một câu hỏi có 2 lựa chọn: lựa chọn một là trả lời theo câu hỏi đóng, lựa chọn hai là đề mở đại loại là viết về một câu chuyện, một quyển sách em thích.

Tất nhiên là số đông sẽ chọn lựa chọn một (theo cả thông tin từ nhóm bạn của bạn ấy), riêng bạn Gấu thì lại chọn lựa chọn đề mở vì với bạn ấy đề này sẽ dễ hơn nhờ hai lý do: đến giờ bạn ấy đã đọc một lượng sách tương đối, thứ hai có lẽ quan trọng hơn là bạn ấy cũng quen viết review/tóm tắt lại sách sau khi đọc, nhất là những quyển thích (tất nhiên chỉ một phần các sách đã đọc).

Ngoài chất lượng của câu trả lời thì có lẽ bạn ấy cũng sẽ được giáo viên chấm điểm rộng tay hơn, vì lựa chọn khác với số đông 😃

Đôi lúc, đọc sách cũng có lợi ích thật 😛 (ơn trời là bạn ấy cũng credit tôi trong chuyện bắt bạn ấy đọc, chắc vì thấy có lợi ích 😃).

Coi cọp sách ở Fahasa Nguyễn Huệ

Không thể nào có văn hoá đọc sách bằng quy định hành chính hay tăng cường bán sách :)

Lâu lâu lại thấy có người hô hào “văn hoá đọc sách” mà 10-20 năm trở lại đây thực tế cái sự đọc của người VN thế nào, tiến lên hay thụt lùi, chắc không ai biết, không có thống kê tin cậy. Rầm rộ nhất có lẽ là các dự án đường sách, tuần lễ sách, hội chợ sách… mà cuối cùng cái đạt được có lẽ là bán sách hoặc thêm một địa điểm/sự kiện vui chơi vài bữa, chứ cái sự đọc sách chắc không khác bao nhiêu.

Nói cho cùng tầng lớp có tiền còn ít đọc thì đừng mong số đông còn phải quay cuồng “cơm áo gạo tiền” mỗi ngày lại thích đọc sách. Chứ thích ra luật thì có luật ngay, dễ mà, luật chúng ta có đầy, thực thi thế nào mới cần nói 🙂

Thiết thực nhất và khả thi nhất là phải uốn cây từ lúc còn nhỏ, tức là học sinh nên có môn “đọc sách”, chứ còn bố mẹ của học sinh thì giờ lớn quá rồi, uốn thế quái nào được nữa. Mỗi năm học mỗi học sinh chỉ cần đọc 5-10 quyển sách thôi, đọc xong làm một bài review, chấm điểm như môn văn. Nếu làm thực chất thì sẽ thấy kết quả phong phú cực kỳ. Đấy không phải là nói xuông, vì đơn giản hè nào tôi cũng áp dụng với bạn Gấu, không bổ nhiều thì bổ ít, tuy nhiên phải nói rằng càng lớn thì bạn ấy càng bị sao nhãng bởi game, bởi chat chit đàn đúm với bạn bè. Đấy là sự thật, không chủ quan duy ý chí được 😀

Phát động đọc sách trong nhà trường chúng ta đã làm chưa? Làm nhiều rồi, có điều làm nhưng không thiết thực, và nó nhỏ lẻ phụ thuộc mức độ nhiệt tình của từng trường, từng lớp, và cả của số đông phụ huynh. Như năm lớp 3 bạn Gấu có phong trào đọc sách và xây dựng thư viện rất tích cực, nhưng cũng chỉ được năm đó. Ngay ở một trường tiếng Anh của Hàn Quốc mà bạn Gấu theo học đâu 3-4 năm, họ có thư viện phong phú, quản lý bằng máy tính, và các bạn được assign bài tập đọc sách hàng tuần theo level phù hợp, có chấm điểm, có khen thưởng cuối khoá, làm phải ra làm như thế.

Cuối cùng muốn đọc sách phải phát triển hệ thống thư viện, chắc số đông dân thành phố có khi còn không biết tới một cái thư viện nào, thư viện trường chắc cũng chỉ một số ít học sinh/sinh viên biết tới. Tôi có từng biết qua những thư viện hiện đại như của ĐH Tôn Đức Thắng, hay của RMIT, thấy ao ước giá mà ngày trước mình đi học có được những thư viện như thế này, hoặc giờ nhiều trường có được những thư viện như thế này.

Nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ một cuối tuần nào đó 🙂

Đọc sách: Miền đất hứa của tôi (Israel)

Quyển này mua cũng lâu rồi mà chỉ ngó qua, thường là thế, nhiều lúc mua trước vì thấy sách hay giá rẻ, không mua thấy tiếc sợ lỡ rồi không tái bản nữa thì… toi :D, chứ về xếp lại đọc dần chứ đâu đọc hết tất cả được. Tưởng đùa nhưng ít nhất vài quyển sách hay tôi có, vì lý do nào đó đúng là không có thấy tái bản nữa thật.

Đợt vừa rồi Israel và Hamas bắn tên lửa nổ bùm bùm trên đầu mới lại có hứng lôi quyển này ra đọc, tác giả kể lại câu chuyện lịch sử Israel trong vòng 100 năm lại đây theo một cách khác: dựa trên các câu chuyện cuộc đời của rất nhiều người, qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Khởi đầu là thời điểm năm 1897 giới trung lưu Do thái ở Châu Âu, trong đó có cụ cố của tác giả, chủ trương mua đất Palestine để người Do thái định cư và kết thúc là những năm ’90 của TK20 khi mà Israel và PLO thừa nhận nhau và ký kết hoà bình với Mỹ làm trung gian. Gần 100 năm lịch sử của người Do thái ở vùng đất Palestine được kể lại một cách hấp dẫn, và đặc biệt không phải kể một chiều dù tác giả là người Do thái sinh ra và sống ở Israel.

Giới thiệu bộ sách Lịch Sử Văn Minh Thế Giới của Will & Ariel Durant

Trân trọng giới thiệu bộ sách Lịch Sử Văn Minh Thế Giới của Will & Ariel Durant 🤩

Những ai có để ý tới sách chắc ít nhất có nghe tên đến bộ sách nổi tiếng này, hoặc có thể đã đọc qua một số ít phần đã được dịch riêng rẽ từ rất lâu. Cái khác lần này là IRED đã mua bản quyền và quyết tâm dịch toàn bộ bộ sách này ra tiếng Việt – nếu họ thành công thì chắc xứng đáng được trao tặng một giải Sách Hay hạng đặc biệt vì công lao truyền bá một khối lượng tri thức đồ sộ cho người Việt Nam 🥳

Hôm nay trở lại nhà sách sau 2 tháng cách ly, có thấy bộ này bày bán và có tí review như sau:

  • Sách in đẹp, giấy dày, bìa cứng, đủ để đọc từ đời mình tới đời cháu là ít
  • Nhóm tác giả có vẻ tâm huyết nên hi vọng chất lượng dịch cũng tốt.
  • Mới hoàn thành 1 bộ (volume) XI, là bộ cuối cùng, gồm có 4 tập. Toàn bộ bộ sách khổng lồ này là 11 volumes, mỗi volume có nhiều book.
  • Mỗi tập khoảng 350-400 trang, giá loanh quanh 170K. Tự tính ra là biết mua hết cả bộ này cũng chóng mặt đấy

Từ đâu mười mấy năm trước tôi cũng lò mò trên diễn đàn và xin được đâu tới 2 bộ ebooks của bộ sách này, tất nhiên là English, xin được mà nó khủng bố quá (lại còn English ) nên đâu có đọc được, chắc mong đọc được hết bản dịch đã là giỏi lắm rồi . Trên Amazon còn bookmark một bộ mà tính ra nặng tới mấy chục kg, nếu mua thi tiền ship chắc gấp vài lần tiền sách.

P.S. Không phải sách nào cũng giống nhau, mấy năm gần đây cũng có một bộ sách lịch sử đồ sộ lắm, mà từ khi nó ra mắt ầm ĩ tới khi nó sale 50% tôi đi qua mà không bao giờ thèm thò tay coi thử lần nào 

Mua sách ở IRED.

331f3d67f7610e1da1195416fc43bba4