Bảo đảm hay đảm bảo? ôi tiếng Việt rắc rối quá :)

Tiếng Việt thật rắc rối chắc phần lớn do có tới 70% là từ Hán Việt mà tôi nghĩ rằng trong đời thường số đông chúng ta cứ sử dụng theo thói quen chứ có rất nhiều từ sử dụng mà không biết được nghĩa chính xác của từ đó. Cho đến khi cần phải biết hoặc tự nhiên nhận ra là mình cứ nói/viết mà không biết từ đó nghĩa chính xác là gì, mới lò dò đi tìm hiểu, mà nhờ ơn có ông google, đấy là việc dễ làm 🙂

Tình huống càng oái oăm hơn khi có những từ nói/viết kiểu gì cũng được, nếu nó được sử dụng thống nhất trong một ngữ cảnh nào đó (một bài báo, một quyển sách, một người etc.) thì còn may, đằng này có khi trong vài câu như hình dưới đây mà được sử dụng cả, không biết tại sao nữa 😃

Google đọc một lúc thấy có cái post Bảo đảm hay Đảm bảo 担保 [dan bao] này cũng là của dân có nghề nhé là rõ ràng, trong pháp luật dân sự liên quan tới vay tiền ngân hàng chúng ta cũng thường thấy dùng từ “bảo đảm”, và hên là tôi trước giờ cũng quen dùng từ “bảo đảm”, vậy là sử dụng đúng kiểu 100% người VN 😃

Nguồn: Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, NXB ĐHQGHN

Tôi học luật (p3): Kết thúc môn thứ 6

Hôm nay đã thanh toán xong 2 môn nữa, tổng cộng đã học xong 6 môn, đường còn rất dài :). Hai môn thi xong hôm nay là Đại cương Văn hoá Việt Nam và Tâm lý học đại cương, môn thứ nhất có thể nói là tương đối dễ vì với tôi lịch sử là một thứ quen thuộc, môn thứ hai thì cũng không khó nhưng thuộc loại khó chịu 🙂

Giống như Xã hội học đại cương, Tâm lý học đại cương với tôi quả là khó nhét vào trong đầu, sao mà kiến thức mấy ngành xã hội này nó rối mù, khái niệm định nghĩa dài dòng, nói đi nói lại, nói thế nào cũng được :). Một điểm chung nữa là tôi thấy mấy môn như này môn nào cũng có vẻ gồng lên để nhận mình là một môn rất quan trọng, hay là quan trọng nhất 🙂

Một điểm chung của hai môn Xã hội học và Tâm lý học nữa là sau khi học một hồi thấy không hiểu được mấy chữ, nội dung thì chán ngắt, tôi mới để ý coi các phần tham khảo của giáo trình thì mới phát hiện ra một điều thú vị: các giáo trình, tài liệu được tham khảo toàn từ những năm 8x, 9x của TK20, bảo sao nội dung nó lạc hậu và hô khẩu hiệu ghê gớm 😀

Với các môn phụ không quan trọng tôi thường chỉ học ở giáo trình có sẵn miễn phí (chất lượng kém, nhiều lỗi chính tả, copy/paste cẩu thả, nội dung lạc hậu). Với hai môn “khó chịu” này (tôi gọi thế vì có những môn khó nhưng hay và/hoặc quan trọng, khó vẫn thích học, còn những môn như này không khó nhưng học rất mệt, và không thích tí nào) tôi cũng có mua giáo trình của ĐH Luật TPHCM, tôi đánh giá là giáo trình này chất lượng cũng tạm tạm vì nội dung ngắn và giá cũng thấp (khác với một loại giáo trình khác mà tôi sẽ nói trong lần khác).

Muốn học đàng hoàng thì hiển nhiên chỉ một quyển giáo trình là không đủ, với môn Tâm lý học đại cương thì tôi cũng đọc thêm hai quyển sách là Tâm lý học đám đông (rất nổi tiếng) và Dẫn luận về Tâm lý học, nói chung là tôi chắc không có tí năng khiếu nào về môn này, đọc xong chắc cũng không ngấm được bao nhiêu dù cố đọc hết 🙂

Trở lại với môn Đại cương Văn hoá Việt Nam, cái gì liên quan đến lịch sử thì đã sẽ hấp dẫn hơn bình thường đối với tôi, nhờ học môn này mà tôi lấy hết mấy quyển sách đã mua từ lâu mà chưa đọc (Việt Nam văn hoá sử cương, Việt Nam phong tục, Đất lề quê thói, Xã hội Việt Nam từ sơ sử tới cận đại), nói ngắn gọn là học xong môn này, đọc hết mấy quyển sách kia sẽ hiểu rõ hơn nhiều về người Việt Nam chúng ta từ xưa tới nay, có những thứ mới chưa biết, phần lớn là nhiều thứ đã biết nhưng có thể không hiểu rõ. Hoá ra từ gần cả trăm năm trước, khi mà các trò “buôn thần bán thánh” chắc chưa phát triển rực rỡ như bây giờ, nhiều trí thức như Đào Duy Anh đã phê phán mạnh mẽ những thứ mê tín dị đoan tào lao bí đao kia rồi.