The Americans – sụp đổ từ bên trong (p.5)

Có thể nói season 5 và 6 không hấp dẫn lắm với nhiều nhiệm vụ khá rời rạc, cuộc sống của Philip và Elizabeth trở nên nặng nề hơn khi họ càng ngày càng cảm thấy mệt mỏi hơn vì công việc, nảy sinh nhiều câu hỏi mang tính con người hơn (human being). Chắc chắn là họ không bao giờ phản bội tổ quốc nhưng bỏ cuộc là một lựa chọn được họ nghĩ đến. Dù họ vẫn còn sâu đậm lý tưởng Xô viết nhưng ít nhiều nó đã nhạt nhoà, họ đã quen với cuộc sống Mỹ quá rồi, còn hai đứa con thì Mỹ 100% :). Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay đón chờ họ trở về như những anh hùng nhưng họ cũng biết rằng trở về tổ quốc sau hơn 20 năm xa cách với vô số khác biệt không phải là lựa chọn tốt nhất, nên họ cứ chần chừ.

Hơn 20 năm xa cách khiến không biết thực tế xã hội ở tổ quốc họ giờ như thế nào, nhưng Oleg thì hiểu rất rõ. Oleg đã từ bỏ công việc ở đại sứ quán Liên Xô để về làm việc cho KGB ở trong nước sau cái chết của người em trai ở Afghanistan (sếp của Oleg đã ngạc nhiên khi biết em trai Oleg – con một Bộ trưởng – mà cũng phải qua chiến trường Afghanistan, câu trả lời là “ai cũng phải làm nghĩa vụ của mình”). Ở thời điểm 1985-1987 Liên Xô là một hệ thống tham nhũng trừ mỗi KGB như sếp của Oleg đã nói với anh khi anh mới gia nhập bộ phận mới chống tội phạm tham nhũng. Ngược lại, một tình nghi trong đường dây đầu cơ thực phẩm đã nói thẳng vào mặt Oleg và một đồng nghiệp của anh là cả cái nước này khan hiếm và đầu cơ thực phẩm, KGB ngoài cuộc đơn giản chỉ vì họ không cần phải lo lắng về chuyện cái ăn 😀

Philip đã bỏ cuộc và trở thành một travel agent đúng nghĩa, anh mở rộng business của mình nhưng dường như đấy không phải là thứ Philip có thể làm giỏi như làm một spy. Công việc kinh doanh ngày càng tệ. Elizabeth thì vẫn cứng đầu tiếp tục làm spy, sẵn sàng chết vì lý tưởng, và giết nhiều người hơn.

Stan Beeman, counter-intelligence, FBI

Từ season 6 không khí gia đình nhỏ này càng nặng nề, Philip và Elizabeth không còn trao đổi về công việc và dễ hục hoặc với nhau hơn, hành động một mình khiến Elizabeth gặp nhiều khó khăn hơn, Paige đã thực sự tham gia vào hoạt động spy và Henry thì lớn hơn (và thông minh) để thấy gia đình mình đang rất không ổn. Nếu như phim không kết thúc thì tôi không hiểu quan hệ Elizabeth và Paige sẽ như thế nào khi mà họ dường như chỉ còn nói chuyện với nhau về công việc, công việc xen lẫn vào mọi mối quan hệ, mọi việc làm của Paige.

Ngay khi Paige biết cha mẹ mình là Russian spies, và khi pastor Tim biết họ như vậy thì câu hỏi đầu tiên là họ có làm hại ai không? Họ có giết người không? Xa hơn nữa là sau khi đọc một vài quyển sách về gián điệp thì Paige còn thêm câu hỏi là mẹ của cô có sử dụng sex trong công việc của mình không? Philip và Elizabeth đã nói thật nhiều thứ với Paige, những thứ vô hại, còn họ không bao giờ dám nói thực là họ đã giết vô số người vô tội. Họ cũng không bao giờ dám thừa nhận là họ thường xuyên dùng sex để bẫy con mồi. Chỉ vào những phút cuối cùng của bộ phim, trong một con giận dữ vì bị dồn vào ngõ cụt, dù vừa mới thề (swear) xong nhưng Elizabeth đã hét lên rằng sex thì sao? sex thì có cái khỉ gì phải để ý? tổ quốc trên hết 🙂

Thực tế thì dần dần Paige cũng được mở mắt ra, rằng lý tưởng mà cha mẹ cô theo đuổi có thể là cao đẹp nhưng những việc họ phải làm thì rất khác. Sẽ không có gì có thể bào chữa được về mặt đạo đức. Nói cho cùng KGB, hay CIA hay bất cứ một tổ chức gián điệp nào (có cả điệp viên VN trong phim, Tuấn là một kẻ máu lạnh trẻ tuổi) thì cũng đều là những kẻ máu lạnh sẵn sàng làm mọi việc nhân danh vì tổ quốc 😀

Philip thức tỉnh khá sớm so với Elizabeth, anh vốn thông minh và học giỏi nhất trường cơ mà. Philip càng ngày càng trở nên cảm thấy tội lỗi khi phải giết những người vô tội, đặt nhiều câu hỏi hơn về tính đúng đắn của các nhiệm vụ từ cấp trên. Anh vẫn đặt tổ quốc trên hết nhưng nhận ra rằng điều đó không đồng nghĩa với việc làm bất cứ việc gì được yêu cầu, bất kể đúng sai. Elizabeth có vẻ hơi mù quáng và chỉ nhận ra điều đó ở những giờ phút cuối cùng khi cô biết rằng một nhiệm vụ của cô không đúng như những gì cấp trên nói, rằng hành động của cô sẽ bị lợi dụng cho mục đích khác, rằng tổ chức của cô không còn là một tập thể thống nhất, có đúng là “chiến đấu vì tổ quốc” giờ là một câu hỏi 😀

Cuối cùng không thể không nhắc tới Stan Beeman, một FBI agent có tài và luôn hết lòng vì công việc, một người Mỹ yêu nước không thể bàn cãi, và vẫn là một con người (chứ không phải như những điệp viên máu lạnh). Chính là Stan xuyên suốt cả bộ phim đã kiên trì kết nối mọi mắt xích lại (connect the dots) để bàng hoàng nhận ra những người hàng xóm của mình thực sự là ai và nguy hiểm như thế nào. Stan không thể bắt những người đã từng là hàng xóm tốt của mình và đành để họ đi. Cũng là Stan trên tinh thần fair play đã cứu Oleg khỏi bản án phản bội tổ quốc dù có thể đánh đổi bằng mất việc, thậm chí ra toà. Trên khía cạnh human being, Stan đại diện cho nước Mỹ đã thắng 1-0 với Liên Xô đại diện bởi KGB agents 😀

Stan and Reene (Is she a KGB agent too? No one know)

Kết thúc phim (thời điểm 1987) cũng không biết có phải là happy ending hay không, dường như không happy lắm:

Philip và Elizabeth đã chạy thoát về Liên Xô, chào đón họ là Arkady – trùm KGB ở đại sứ quán Liên Xô tại Mỹ và hiện là một nhân vật KGB cao cấp. Tuy nhiên với việc cả ba người này đã tham gia chống lại âm mưu của một nhóm KGB khác và quân đội nhắm vào Gorbachev tại một cuộc họp Xô-Mỹ về giải trừ vũ khí thì có thể đoán rằng họ sẽ không an toàn. Họ có thể sẽ dành phần đời còn lại trong nhà tù của tổ quốc họ 🙂

Henry bị “bỏ rơi” ở Mỹ vì Philip và Elizabeth quyết định là đấy là lựa chọn tốt nhất cho cậu bé. Con của một cặp điệp viên KGB khét tiếng, bơ vơ một mình, Henry sẽ bắt đầu cuộc đời tự lập của mình thế nào? Không ai biết, một may mắn duy nhất là vẫn còn Stan – một người bạn tốt của Henry – một người thực sự quý Henry và biết cậu bé hoàn toàn không liên quan gì về cuộc đời gián điệp của cha mẹ mình.

Paige vào phút cuối cũng trốn ở lại Mỹ, còn thiếu kinh nghiệm, không ai nương tựa và đã hoạt động gián điệp nên nhiều khả năng sẽ sa lưới FBI.

Oleg sẽ dành phần đời còn lại của mình trong nhà tù của Mỹ, bỏ lại vợ con để liều lĩnh quay lại Mỹ vì một nhiệm vụ tình nguyện và anh chấp nhận mất hết nếu thất bại. Gia đình Oleg là một bi kịch, dù là một Bộ trưởng nhưng bố anh đã mất một đứa con trong cuộc chiến vô nghĩa ở Afghanistan và nay mất nốt đứa con còn lại trong một nỗ lực ngăn chặn tình trạng chạy đua vũ trang.

Claudia đại diện cho nhóm KGB của những cựu binh còn sống sót từ thời WW2 và họ sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ nhà nước Xô viết vĩ đại. Cuộc chơi của họ sẽ chỉ dừng lại sau thất bại của cuộc đảo chính năm 1991.

Tôi đã đăng ký thẻ thông minh xe buýt UniPass như thế nào? (1)

Phần 1: Trải nghiệm với dịch vụ công thường khó khăn và mất thời gian

Gần đây (thời điểm 01-2020) chú ý trên xe bus (TPHCM) thấy có treo thêm một cái thiết bị mới (trông như cái hộp tự chế, xấu điên :D) trên cột phía sau lái xe, ngay phía trên cột máy bán vé. Trên xe sáng nay thấy là một thiết bị mới vỏ nhựa trông hiện đại hơn hẳn, lại có cả màn hình, thế nên mới tò mò ngó vào và hỏi tài xế thì được biết là đầu đọc thẻ thông minh sắp được áp dụng đại trà toàn thành phố. Boom, xe bus 4.0 đây rồi, sẽ phải thử ngay mới được 🙂 (tài xế cũng rất hào hứng giới thiệu).

Không phải tài xế nào cũng như vậy, ngay buổi chiều lúc về có một bạn thay vì bấm nút lấy vé như mọi khi thì lại bấm nút trên màn hình cảm ứng của máy quẹt thẻ UniPass kia – làm tài xế giật mình cáu hỏi “làm cái gì thế?” 🙂 (các tài xế bus có một lo lắng thường trực là khách bấm nút linh tinh, vd mua nhầm vé hoặc bấm ra tới 2 vé :D). Tuy nhiên lần này bạn trẻ kia đúng, bạn đó giải thích là lúc sáng được một tài xế khác hướng dẫn như vậy. Tài xế đuối lý nhưng cố vớt vát, và lại càng sai hơn, “lúc nào đi xe tài xế đó thì hãy bấm thế”. Sau đó tiện tay tắt luôn cái máy UniPass kia đi, cho đỡ rắc rối 😛

Tôi đã tìm kiếm thông tin như thế nào? Đầu tiên là vào ngay website của xe buýt TPHCM, may mắn là thấy ngay một link dẫn tới một trang dành riêng cho cái thẻ này. Nhận xét nhanh là trang đó khá đẹp, nội dung tương đối đủ, đọc hết là bạn có 90% thông tin cần biết. Tuy vậy, trang web này thiếu một số thông tin quan trọng, phản ánh sự cẩu thả trong công việc.

Tôi muốn đăng ký cho cả thằng nhóc nên chọn sẽ tới điểm giao dịch để đăng ký vì thấy nói đăng ký online thì chỉ có thể xài mã QR trên smartphone (mà không có thẻ). Mà trước khi đến thì cần một số điện thoại để hỏi, như tôi muốn đăng ký ở ĐH Tôn Đức Thắng không lẽ tới đó hỏi bảo vệ :), hoặc T7 có làm việc không etc. Nhưng mà gần như không có số điện thoại nào cả!!!

unipass1
Số hotline trả lời bạn về Zalo Pay

Gọi vào số hotline 1900545436 thì suýt nữa tưởng nhầm vì lại thấy nó nói là ZaloPay, ráng nghe tới 2 lần (mất 1.000đ/phút) mà không có nói gì về UniPass. Dẹp. (hôm sau tôi mới phát hiện ra là UniPass chỉ là một chức năng trong cái app ZaloPay, và phải khá vất vả mới giải mã ra điều đó vì thông tin được mã hoá rất kỹ :D).

Trong phần FAQ có nói 2 điểm làm thẻ, nhưng không có một số điện thoại nào! Còn một lựa chọn duy nhất là số liên hệ chung 028.3926.2798 bé tí ở footer. Gọi vào khoảng hơn 17h không có ai nghe, sáng hôm sau gọi lại và trình bày lý do thì được mấy em ở đó nhiệt tình trợ giúp, cho những 3 số điện thoại khác để… gọi tiếp 🙂

unipass2
Làm sao tìm ra nơi làm thẻ trong một trường ĐH?

Ngoài chuyện hoàn toàn thiếu các số điện thoại thì nội dung trang web cũng được làm cẩu thả. Tôi thấy luôn nhắc đến app mà không thấy có cái link nào để tải app UniPass, tài thế, hôm sau mới biết là tải ZaloPay. Phần nói về các tuyến đang triển khai cũng bất nhất, không tính tuyến tôi đi chắc mới áp dụng nên chưa kịp cập nhật.

unipass3

unipass4
Thông tin mỗi phần nói một phách 🙂

Cũng khá khó khăn mà hôm sau tôi mới tìm ra một cái link được giấu kỹ, mới biết trang web này là một bản copy giống khoảng 95% của website UniPass này 🙂 (cách làm việc này không có gì lạ, người làm ẩu đã đành nhưng nếu người kiểm tra có trách nhiệm thì làm gì có chuyện bê-tông cốt tre chẳng hạn :D).

(còn tiếp)

unipass5

Trang unipass.vn là một phiên bản giống 95%

P.S. Đây là câu chuyện viết dở (draft) ở thời điểm 01-2020, đến nay tôi (và bạn Gấu nhà tôi) đã sử dụng UniPass để đi bus được gần 4 năm và đây đúng là một thay đổi đã giúp hệ thống bus TPHCM (hay chỉ cty Saigon Bus?) phục vụ khách hàng tốt hơn. Qua thời gian bản thân UniPass cũng được nâng cấp tốt hơn vd như tích hợp thanh toán trực tiếp từ Zalopay (không cần nạp tiền riêng). Không biết bus HN có UniPass hay cái gì tương tự không?

Một điều thú vị nữa là tôi cũng có lần phỏng vấn một bạn apply job đã từng làm dự án UniPass này, thế là có thêm một case thực tế để nói chuyện developer-user vì thường 90% các buổi phỏng vấn job thường boring và có thể kết thúc sau 15 phút.

The Americans – nguy hiểm từ bên trong (p.4)

Paige đã quyết định đòi phải biết sự thật về cha mẹ cô, và cô ấy đã biết được một phần sự thật về gia đình mình. Ngay cả Gabriel – handler hiện tại của Philip và Elizabeth – cũng cho rằng đấy là một động thái phải làm, có lẽ họ ám chỉ việc để Paige dần làm quen với sự thật là bước chuẩn bị để gia nhập KGB. Sau thảm kịch do Jared gây ra KGB vẫn không từ bỏ ý định đào tạo con của các agent trở thành thế hệ agent thứ hai ở Mỹ, tất nhiên là người cộng sản dễ gì từ bỏ 🙂

Tuy vậy thực tế cho Paige biết sự thật càng ngày càng gây ra thêm nhiều rắc rối. Dù yêu cầu đầu tiên là không được tiết lộ với bất kỳ ai và biết sự thật nghĩa là phải chịu trách nhiệm nhưng Paige tỏ ra không kiểm soát được mình khi thường xuyên chất vấn về công việc của cha mẹ và về gia đình. Chuyến đi tới Tây Đức để Elizabeth gặp lại mẹ lần cuối và Paige có cơ hội gặp bà của mình cũng không giúp mọi chuyện khá hơn. Paige đơn giản là vẫn không tin cha mẹ mình, và hoàn toàn không hiểu tại sao họ lại làm agent.

Lo ngại của Philip và Elizabeth khi Paige tham gia sinh hoạt ở một nhà thờ và sau đó còn cải đạo theo Tin lành là hoàn toàn hợp lý, tiếc rằng họ đã không thể ngăn chặn được việc đó, cũng như đã phải tiết lộ sự thật. Tôi cho rằng đây là hai nước đi sai lầm nhất, và họ có thể bị hạ gục bởi lý do này thay vì bị FBI hay CIA gài bẫy.

Chuyện gì phải đến cuối cùng đã đến, Paige đã tiết lộ cha mẹ mình là người Nga cho pastor Tim. Paige đơn giản là đã không giữ lời hứa giữ bí mật và sẽ không chỉ chừng đó thông tin bị tiết lộ. Paige là một teenager và mất lòng tin vào gia đình mình, thiếu kinh nghiệm sống (tất nhiên rồi), tin tưởng hoàn toàn pastor Tim thì làm sao mà giữ nổi bí mật gì.

The Americans – nghề nguy hiểm (p.3)

Tôi đã xem tới season 3, Philip mới nhận được một tin buồn từ cấp trên rằng Irina mới bị bắt một tháng trước đó ở Brazil và sẽ được đưa về Liên Xô để xét xử. Irina không phản bội tổ quốc mà chỉ đơn giản là cô ấy thấy đã cống hiến đủ rồi và muốn trốn chạy để sống một cuộc sống mới. Nhưng đấy cũng là một tội và dù có chạy qua Brazil thì vẫn không thoát. Cậu con trai của họ nay đã 20 tuổi và đang trong quân đội là có thật, đúng như Irina đã nói khi họ gặp nhau ở NYC hai năm trước, lần đầu sau 20 năm xa cách, và giờ thì chắc chắn đó cũng là lần cuối.

Ngoài công việc thì giờ Philip và Elizabeth cũng có những rắc rối nhỏ với Paige, cô con gái 14 tuổi của họ. Cô bé này do vô tình quen một cô bạn rồi đã tham gia sinh hoạt ở một nhà thờ, thậm chí cuối cùng đã quyết định trở thành một tín đồ Tin lành. Paige là một teenager Mỹ và muốn tự do, muốn chứng tỏ bản thân, và thực ra cũng chưa có làm việc gì không đúng nhưng với những người cộng sản như cha mẹ cô bé thì đấy là một cú sốc.

Một rắc rối lớn với Paige mà họ không muốn nhưng cũng không có lựa chọn nào khác là KGB đã chọn Paige (cũng như những đứa con của các điệp viên khác) để đào tạo thành thế hệ điệp viên thứ 2 ở Mỹ. Câu chuyện Jared đã lén làm việc cho KGB mà chính cha mẹ cậu (một cặp vợ chồng điệp viên khác) không biết, rồi trong một phút nóng giận đã bắn chết cả cha mẹ và em gái mình là một thảm kịch kinh hoàng mà Philip và Elizabeth cùng những đồng đội KGB khác của họ đã không bao giờ tưởng tượng ra.

Họ cũng được yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm hơn và có lần cũng suýt mất mạng khi gặp các đối thủ không phải hạng vừa. Dù chậm nhưng theo thời gian và xâu chuỗi các vụ việc FBI cũng từ từ nhận dạng được kẻ thù của họ, lưới được giăng ra và ngày càng thu hẹp lại. FBI cũng suýt nữa bắt được một con cá to và Elizabeth cũng thêm một lần chết hụt. CIA cũng muốn giăng một cái lưới của họ.

Họ cảm thấy mệt mỏi hơn trước, có nhiều rắc rối đời thường hơn, nhiều đồng đội của họ gục ngã hơn, và họ cũng đã cảm thấy rõ hơn nhiều mối nguy hiểm đang rình rập. Không có gì là ngạc nhiên nếu một ngày nào đó một người rời nhà để thực hiện nhiệm vụ và không bao giờ trở về.

The Americans – họ đã chiến đấu vì tổ quốc (p.2)

Bối cảnh trong phim là đầu thập niên ’80 của TK20 trong không khí căng thẳng của Chiến tranh lạnh (Cold War), đã là 20 năm sau khi hai điệp viên KGB đặt chân lên nước Mỹ. Khi tới Mỹ họ đều mới chỉ hơn 20 tuổi, đều đã trải qua một thời kỳ huấn luyện của KGB, dù đóng giả là một cặp vợ chồng nhưng họ vẫn còn là những người xa lạ chỉ mới biết nhau.

Hơn 20 năm sống ở Mỹ họ đã có một vỏ bọc rất chắc chắn (deep cover) trong một hãng du lịch nhỏ, với một gia đình, và hai đứa con. Tất nhiên họ cũng đã thực hiện thành công rất nhiều nhiệm vụ và được tổ chức tin cậy. Họ có thể không sợ chết, có thể rất giỏi nghiệp vụ, nhưng cuộc đời điệp viên của họ có lẽ khó khăn lớn nhất là về tinh thần, cuộc sống cá nhân của họ dù phải chôn sâu nhưng họ không thể quên nó.

Elizabeth trẻ hơn và chỉ còn có mẹ khi rời tổ quốc đến một xứ hoàn toàn xa lạ, thời gian đầu cô cũng gặp nhiều vấn đề về tinh thần. May mắn thay lại gặp Gregory – một thanh niên ra đen cũng tràn đầy lý tưởng cao đẹp – để có thể tin cậy và sống một cuộc sống cá nhân hơn so với người chồng-đồng chí của mình. Hơn cả mong đợi, lại còn chiêu dụ được Gregory làm việc cho KGB 😀

Philip (tên thật là Misha) thậm chí còn phải đánh đổi nhiều hơn nữa, anh có cha mẹ già ở tổ quốc, anh có một mối tình ngắn ngủi với một cô gái khác (Irina) cũng là điệp viên KGB để rồi mỗi người phải đến một nơi xa lạ để sống một cuộc sống khác mà không hẹn ngày gặp lại.

Hơn 20 năm sau Misha mới gặp lại Irina (tới từ Canada) trong một nhiệm vụ ở NYC, cả hai đều đã có gia đình và đã sống một cuộc sống hoàn toàn khác, nhưng họ không thể quên cuộc sống thật của họ hơn 20 năm trước. Irina muốn dừng lại, cô không phản bội tổ quốc mà chỉ muốn biến mất, muốn sống một cuộc sống bình thường, và có Misha trong cuộc sống đó.

Nhưng Misha nay đã là Philip và có một gia đình mà đến giờ phút này nó quan trọng với anh như một gia đình thực sự, dù anh vẫn còn khó chịu vì Elizabeth – người vợ và đồng chí của anh – đã không tin tưởng anh hoàn toàn. Misha đã từ chối ra đi cùng Irina và chắc sẽ không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.

Dù có những giây phút yếu đuối, dù có những lúc giao động, thậm chí bất bình khi bị tổ chức nghi ngờ lòng trung thành của mình nhưng sau cùng những điệp viên Cộng sản luôn được khắc hoạ là những con người chấp nhận hi sinh tất cả vì lý tưởng. Không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng vì điều đó, nhưng khi phải chọn thì họ chấp nhận, họ chiến đấu vì tổ quốc.

The Americans – hay từ tập đầu tiên (p.1)

Bộ phim bắt đầu với một tình huống gay cấn, ba điệp viên KGG gài bẫy và bắt cóc một điệp viên KGB (Nikolai Timoshev) đã hợp tác với FBI và được trả 3 triệu dollar. Do ở phút chót kẻ sắp bị bắt cóc với kinh nghiệm của mình đã cảm thấy có một cái bẫy nên kế hoạch bắt cóc đổ bể: mất nhiều thời gian hơn cho màn đuổi bắt, một kẻ bắt cóc bị đâm trọng thương và chết trong bệnh viện, kẻ bị bắt cóc không kịp lên tàu để về tổ quốc chịu tội phản bội.

Hai kẻ bắt cóc còn lại tên là Elizabeth và Philip, họ là một cặp vợ chồng và có hai đứa con, có một ngôi nhà như hàng triệu gia đình người Mỹ khác. Họ đều là người Liên Xô và đã đến Mỹ năm 1965, họ không phải là vợ chồng thật, họ là điệp viên KGB.

Trong lúc chưa biết xử lý thế nào, kẻ phản bội đã bị bắt cóc tạm thời bị nhốt trong cốp xe trong garage. Thật trùng hợp, ngày hôm sau họ có một hàng xóm mới và người chồng trong gia đình (Stan) mới chuyển tới đó lại là một nhân viên chống phản gián của FBI 🙂

Tình thế trở nên nguy hiểm hơn và Philip tỏ ra giao động khi biết rằng nếu nộp lại kẻ bị bắt cóc kia cho FBI thì sẽ được 3 triệu dollar của kẻ đó vì đã tha mạng, và thêm 3 triệu dollar nữa do FBI trả. Một số tiền rất lớn và họ có thể thay đổi cuộc sống hoàn toàn, Philip nghĩ rằng anh ta đã cống hiến đủ cho tổ quốc và giờ muốn có một cuộc sống mới, một cuộc sống thật như những người Mỹ. Tất nhiên “vợ” anh ta, và chắc chắn là các đồng chí của anh ta ở đất mẹ xa xôi, đã coi anh ta bị Mỹ hoá, bị thoái hoá đạo đức người và xa rời lý tưởng XHCN, và trở thành kẻ phản bội.

Elizabeth muốn giết kẻ phản bội để trả thù riêng. Philip muốn hợp tác với FBI và cuối cùng quyết định tự thực hiện một mình. Hai người bất đồng và Elizabeth muốn tự tay giết kẻ phản bội nhưng phút cuối đã từ bỏ ý định đó (sau khi đánh nhau một hồi) khi đại uý Teshimov cho biết rằng anh ta không muốn hurt (rape) Elizabeth trong một buổi training năm xưa, và đấy chỉ là it was a part of the job, a perk. Nhưng sau khi biết sự thật đó Philip đã giết Timoshev.

Và sau đó hai người trở thành vợ chồng thật sự chứ không còn chỉ đóng vai ;). Đóng vai vợ chồng có lẽ là những vai diễn khó khăn nhất với các điệp viên, mà không chỉ với các cặp điệp viên cộng sản dù chúng ta thường gặp nhiều hơn. Trong một bộ phim mà tôi quên tên, bối cảnh ở Tây Ban Nha thời chiến tranh lạnh, cũng có một cặp điệp viên CIA đóng vai vợ chồng giả 😀

The Americans

Tản bộ và tản mạn về thành phố của tôi ngày đầu năm

(một bài viết dở năm ngoái, đầu năm ở đây là một năm trước rồi – 01/2023, năm nay thì trung tâm thành phố đã đẹp hơn nhờ đường Lê Lợi đã thông thoáng hoàn toàn :D)

Như thường lệ nhà tôi hay kéo nhau lang thang ở trung tâm thành phố trong ngày cuối năm hoặc đầu năm mới, đi lang thang chứ không có kế hoạch gì, gọi là đi ngắm phố phường xem thế nào :). Trung tâm thành phố (với chúng tôi) thực ra là rất nhỏ, thường là gói gọn từ đường Hàm Nghi, chợ Bến Thành hướng lên đường Nguyễn Huệ, kéo dài qua khu vực UBND thành phố và Nhà hát thành phố, qua bưu điện, nhà thờ và kết thúc xa nhất cũng là công viên trước dinh Độc lập. Nó chỉ nhỏ vậy thôi vì chúng tôi đi bộ, và dù nhỏ vậy nhưng đi mãi vì dù quen thuộc mấy thì vẫn còn một lý do để đi: đi bộ 😀

Tôi không thể nào biết hết với mọi người năm vừa qua thế nào, nhưng như tôi thấy thì chắc với tình hình kinh tế khó khăn vậy thì với số đông là buồn nhiều hơn vui, không khí năm mới vì thế cũng thấy nhạt nhòa hơn, trang trí đèn hoa cũng bớt hào nhoáng hơn. Không có tiền thì cái gì cũng đi xuống hết, từ trang hoàng đường phố tới TTCK :D. Trên đường Nguyễn Huệ thấy có mỗi Rex hotel là nổi bật với đèn trang trí kiểu mosaic và tông màu xanh/trắng đẹp mắt.

Cũng đâu chừng 2-3 tháng rồi tôi không ghé đường Nguyễn Huệ, năm mới ghé qua mà thấy nó nhếch nhác vô cùng, chắc cũng do kinh tế ảm đạm quá :). Chuyện phố đi bộ này nhếch nhác, mất vệ sinh, hàng rong lộn xộn, rồi như mới gần đây lại có vụ lộn xộn đánh nhau hình như cũng giữa mấy đứa trẻ con trượt ván và đám bán hàng rong… toàn chuyện rất cũ, người dân kêu ca chắc chán quá rồi, cái lạ là nó cứ mãi tồn tại như vậy ngay trước UBND thành phố chứ đâu phải vùng sâu vùng xa gì (không biết có ông lãnh đạo Q1 nào đủ dám “dũng cảm” nói không biết hay chưa nghe anh em báo cáo không? :D).

Phố đi bộ không cấm bán hàng ăn uống, đồ lưu niệm vì đấy là nhu cầu của mọi người đến đấy vui chơi nhưng nó phải có trật tự, chỉ nên giới hạn khu vực bán hàng ở hai bên vỉa hè thay vì để hàng rong như ở các chợ cóc ngồi la liệt khắp nơi rồi thi thoảng lại có người đi dẹp, xong chỉ một lúc sau lại đâu đấy chứ cũng không phải chờ tới hôm sau. Đám trẻ chơi trượt ván thì cũng phải có giới hạn khu vực thay vì muốn chơi ở đâu thì chơi, tôi từng chứng kiến khi có mấy anh chạy xe máy tới thổi còi toét toét thì tất cả đám đó nó dừng lại hết, nhưng chỉ một phút sau khi mấy anh chạy đi thì lại đâu vào đấy.

Hoàng hôn trên đường Lê Lợi một ngày sát Tết 2024

Phở Thìn 13 Lò Đúc ở Vũng Tàu

Từ năm 2020 chắc PHỞ THÌN 13 LÒ ĐÚC phải được coi là một đặc sản mới của Vũng Tàu. Bánh khọt với lại bánh bông lan thì có nhiều chứ phở tái lăn ông Thìn thì ngoài Vũng Tàu thì SG cũng còn chẳng có 😀 (3 tiệm Phở Thìn by Sol không tính vì phở này nó giống phở Tây kiểu Phở 24 nhiều hơn, chứ không còn đặc trưng phở tái lăn; thứ hai là dạo trước còn lùm xùm vụ tranh chấp thương hiệu giữa chính hai bên trong vụ franchise này thì phải).

Vẫn 50K một bát, giá không đổi từ khi quán khai trương, còn lượng có đổi hay không thì hơi khó biết (nếu có cũng ít, vì tôi cũng khó nhận ra 😃). Cùng thời gian này cũng phở tái lăn gần nhà tôi, dĩ nhiên không bằng phở Thìn, đã từ 50K lên 65K. Tất nhiên giá SG có khác giá Vũng Tàu.

Nếu như menu phở Thìn ngay từ đầu đã sớm đa dạng để hội nhập với văn hoá phương Nam (chứ cứ độc một món tái lăn chắc chỉ có một nhúm khách 😃) thì lần này thấy menu còn đa dạng hơn nữa, có cả phở sốt vang 😀, rồi còn món bún Huế mới toanh!!! Rồi có ngày có anh Hai SG nào đó ăn trúng phở Thìn ở 13 Lò Đúc xong sẽ chê không ngon, không phải phở Thìn quen thuộc 😀

Lần đầu tiên ăn tối ở đây, trước khi ghé còn không biết quán có bán tối không, tới nơi thấy ông chủ đang hì hụi sửa cái bồn nước rửa tay cho khách, quán thì không có khách nào, phải hỏi trước khi dựng xe, hên là quán vẫn mở buổi tối 😀 (xui là hết quẩy). Tôi đúng khách hàng tốt, vào phát là thấy khách ghé tới tấp.

Menu in to tướng trên tường có chú thích rất là chu đáo, rằng phở có rất nhiều hành lá và không có nước béo, ai không thích thì yêu cầu trước. Vợ tôi là một người ăn phở không có hành, đúng dở hơi biết bơi 😀

Mỳ Quảng Nôm En miết nhớ hùa

Cái tít là thấy in trên cái khăn hay hay, chứ tôi đọc không hiểu gì đâu (sau phải hỏi một thằng dân xứ Quảng mới hiểu :D).

Lâu rồi sáng nay mới chạy qua Tân Bình, đã tranh thủ đi sớm đỡ kẹt đường thế mà lại gặp chút rắc rối thế là cũng kẹt một lúc trên đường Hoàng Sa, trời ơi là xe máy.

Thoát được mấy cái đường lớn xong chui vào các khu dân cư vắng, mát, thấy khoẻ cả người 😀. Bình thường sẽ ghé qua một quán phở Nam Định (lần đổi chủ cuối cùng cũng phải 10 năm rồi, nhớ trước thằng con ông chủ còn nhỏ gầy, sau vài lần ăn phở tính bằng năm thì giờ nó mập và có khi còn lấy vợ rồi 😃). Nhưng mà quán đó trên đường Cộng Hoà, sáng ra mà chui vào đường đấy có mà điên.

Địa chỉ tiếp theo là một quán phở gà rất ngon trong khu K300 (và có quẩy, quán nào cứ phở HN và NĐ mà không có quẩy là next luôn cho khỏi mất công) nhưng mà tới nơi thì không còn dấu vết gì nữa, có khi đã dẹp từ dạo COVID.

Ngó nghiêng một hồi thì phát hiện ra một quán mỳ Quảng thấy có vẻ “uy tín” (từ của bạn Gấu), lâu lắm rồi không nhớ ăn mỳ Quảng lúc nào nữa, nhưng lần cuối cùng thì vừa mới CN vừa rồi, lại ăn tiếp vậy. Gọi một tô mỳ cá đặc biệt, nói chung ngon, hình như có lần nghe ai đó (toàn bọn dân bắt đầu bởi chữ Quảng 😃) nói mỳ gà ngon nhất nhưng tôi cứ thích mỳ cá và chưa bao giờ ăn mỳ gà 😀

Sau khi chụp ảnh khấn FB thì cắm đầu ăn xong ngẩng lên mới ngó nghiêng, hoá ra đây cũng là quán có tên tuổi – bà Mua, có vô số địa chỉ ở Đà Nẵng luôn – cái này phải cần người con xứ mỳ Tho Pham thẩm định 😀. Quán còn bán cả một số món khác như bánh tráng cuốn, hến xúc bánh tráng… một lần khác nhất định sẽ trở lại 😀

Còn phát hiện trên bàn một loại nước ngọt, style retro khá bắt mắt, kiểu nước thảo mộc, của một cty ở Q7, vậy là vẫn có các cty nhỏ chiến đấu trong thị trường này chứ không chỉ có vài ông lớn làm mưa làm gió. Tuy vậy nước ngọt thì xưa giờ tôi cũng chỉ uống Coke, có lẽ số đông là thế nên dù lỗ triền miên ở VN mà tập đoàn này vẫn sống khoẻ 😃

Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam cực kỳ đẹp

Con người có một tính xấu bẩm sinh, hầu như ai cũng mắc phải (tất nhiên có cả tôi), đó là hay chê nhiều/dễ hơn là khen. Nếu google thì thấy mọi người chê đủ thứ vấn đề từ lúc có mẫu hộ chiếu mới, tất nhiên nhiều cái là đúng, nhưng có một điều mà tôi hình như chưa thấy ai nói bao giờ, đó là:

Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam cực kỳ đẹp các bạn ạ 🤩 (ngay cả quy trình làm cũng rất tốt, but not perfect, chúng ta sống dưới đất chứ không phải như các quan trên trời, don’t be over expected).

Xe máy (xe số) mới, hộ chiếu mới, có lẽ cuối tháng test thử Cambodia là đẹp nhỉ (gần, dễ đi, và nhất là tốn ít tiền 😃)?

Tạm thế đã, chi tiết hay đẹp thế nào tối nay tôi sẽ ngồi mần bàn phím 15 phút, giờ còn phải đi cày tiếp 😅 (viết tiếp trải nghiệm dịch vụ hành chính công online).