Tôi đã đăng ký thẻ thông minh xe buýt UniPass như thế nào? (1)

Phần 1: Trải nghiệm với dịch vụ công thường khó khăn và mất thời gian

Gần đây (thời điểm 01-2020) chú ý trên xe bus (TPHCM) thấy có treo thêm một cái thiết bị mới (trông như cái hộp tự chế, xấu điên :D) trên cột phía sau lái xe, ngay phía trên cột máy bán vé. Trên xe sáng nay thấy là một thiết bị mới vỏ nhựa trông hiện đại hơn hẳn, lại có cả màn hình, thế nên mới tò mò ngó vào và hỏi tài xế thì được biết là đầu đọc thẻ thông minh sắp được áp dụng đại trà toàn thành phố. Boom, xe bus 4.0 đây rồi, sẽ phải thử ngay mới được 🙂 (tài xế cũng rất hào hứng giới thiệu).

Không phải tài xế nào cũng như vậy, ngay buổi chiều lúc về có một bạn thay vì bấm nút lấy vé như mọi khi thì lại bấm nút trên màn hình cảm ứng của máy quẹt thẻ UniPass kia – làm tài xế giật mình cáu hỏi “làm cái gì thế?” 🙂 (các tài xế bus có một lo lắng thường trực là khách bấm nút linh tinh, vd mua nhầm vé hoặc bấm ra tới 2 vé :D). Tuy nhiên lần này bạn trẻ kia đúng, bạn đó giải thích là lúc sáng được một tài xế khác hướng dẫn như vậy. Tài xế đuối lý nhưng cố vớt vát, và lại càng sai hơn, “lúc nào đi xe tài xế đó thì hãy bấm thế”. Sau đó tiện tay tắt luôn cái máy UniPass kia đi, cho đỡ rắc rối 😛

Tôi đã tìm kiếm thông tin như thế nào? Đầu tiên là vào ngay website của xe buýt TPHCM, may mắn là thấy ngay một link dẫn tới một trang dành riêng cho cái thẻ này. Nhận xét nhanh là trang đó khá đẹp, nội dung tương đối đủ, đọc hết là bạn có 90% thông tin cần biết. Tuy vậy, trang web này thiếu một số thông tin quan trọng, phản ánh sự cẩu thả trong công việc.

Tôi muốn đăng ký cho cả thằng nhóc nên chọn sẽ tới điểm giao dịch để đăng ký vì thấy nói đăng ký online thì chỉ có thể xài mã QR trên smartphone (mà không có thẻ). Mà trước khi đến thì cần một số điện thoại để hỏi, như tôi muốn đăng ký ở ĐH Tôn Đức Thắng không lẽ tới đó hỏi bảo vệ :), hoặc T7 có làm việc không etc. Nhưng mà gần như không có số điện thoại nào cả!!!

unipass1
Số hotline trả lời bạn về Zalo Pay

Gọi vào số hotline 1900545436 thì suýt nữa tưởng nhầm vì lại thấy nó nói là ZaloPay, ráng nghe tới 2 lần (mất 1.000đ/phút) mà không có nói gì về UniPass. Dẹp. (hôm sau tôi mới phát hiện ra là UniPass chỉ là một chức năng trong cái app ZaloPay, và phải khá vất vả mới giải mã ra điều đó vì thông tin được mã hoá rất kỹ :D).

Trong phần FAQ có nói 2 điểm làm thẻ, nhưng không có một số điện thoại nào! Còn một lựa chọn duy nhất là số liên hệ chung 028.3926.2798 bé tí ở footer. Gọi vào khoảng hơn 17h không có ai nghe, sáng hôm sau gọi lại và trình bày lý do thì được mấy em ở đó nhiệt tình trợ giúp, cho những 3 số điện thoại khác để… gọi tiếp 🙂

unipass2
Làm sao tìm ra nơi làm thẻ trong một trường ĐH?

Ngoài chuyện hoàn toàn thiếu các số điện thoại thì nội dung trang web cũng được làm cẩu thả. Tôi thấy luôn nhắc đến app mà không thấy có cái link nào để tải app UniPass, tài thế, hôm sau mới biết là tải ZaloPay. Phần nói về các tuyến đang triển khai cũng bất nhất, không tính tuyến tôi đi chắc mới áp dụng nên chưa kịp cập nhật.

unipass3

unipass4
Thông tin mỗi phần nói một phách 🙂

Cũng khá khó khăn mà hôm sau tôi mới tìm ra một cái link được giấu kỹ, mới biết trang web này là một bản copy giống khoảng 95% của website UniPass này 🙂 (cách làm việc này không có gì lạ, người làm ẩu đã đành nhưng nếu người kiểm tra có trách nhiệm thì làm gì có chuyện bê-tông cốt tre chẳng hạn :D).

(còn tiếp)

unipass5

Trang unipass.vn là một phiên bản giống 95%

P.S. Đây là câu chuyện viết dở (draft) ở thời điểm 01-2020, đến nay tôi (và bạn Gấu nhà tôi) đã sử dụng UniPass để đi bus được gần 4 năm và đây đúng là một thay đổi đã giúp hệ thống bus TPHCM (hay chỉ cty Saigon Bus?) phục vụ khách hàng tốt hơn. Qua thời gian bản thân UniPass cũng được nâng cấp tốt hơn vd như tích hợp thanh toán trực tiếp từ Zalopay (không cần nạp tiền riêng). Không biết bus HN có UniPass hay cái gì tương tự không?

Một điều thú vị nữa là tôi cũng có lần phỏng vấn một bạn apply job đã từng làm dự án UniPass này, thế là có thêm một case thực tế để nói chuyện developer-user vì thường 90% các buổi phỏng vấn job thường boring và có thể kết thúc sau 15 phút.

Và Sài Gòn đã đông vui trở lại

Sau hơn 4 tháng kiên cường giữ chùa, á nhầm, là giữ pháo đài chống dịch, hôm nay tôi mới lại được lang thang trở lại khu trung tâm thành phố trong một chiều Chủ nhật đẹp trời (hình như do ngoài miền Bắc đang lạnh). Vẫn chỉ là những con đường quen thuộc đã đi bộ mỏi chân bao lần từ Nguyễn Huệ tới nhà thờ, bưu điện, đường sách. Và cũng đã chụp bao nhiêu ảnh, dù mọi thứ hầu như không thay đổi, chụp đi chụp lại mãi 😀

Sau 4 tháng lần này cũng có đổi khác, đáng nói nhất là khúc đường Lê Lợi đoạn từ Nguyễn Huệ đến Pasteur đã được giải phóng sau chắc cả chục năm quây tôn kín mít. Nhà thờ giờ đang trùng tu đến 2 tháp chuông, giàn dáo che kín mặt trước luôn. Nhưng đáng buồn là McDonald’s đường sách – tiệm McDonald’s vị trí đẹp nhất thành phố – đã đóng cửa. Thế là không còn chỗ ghé vào làm một ly Americano nóng hoặc một combo Big Mac mỗi lần ghé đường sách nữa. Cũng không cần phải giấu rằng đa phần tôi ghé vào đây là ngồi ăn/uống (sau khi đi bộ mệt nhoài) và ngó người đi lại ngoài cửa kính, chứ không có đọc sách gì hết, vì ghé đường sách đa phần là đi ngó nghiêng chứ ít khi mua sách ở đây, ra đường sách hóng là chính chứ các tiệm khá chật chội, tìm sách không thoải mái tí nào 😀

Dù rằng còn chưa cho ăn uống tại chỗ nhưng đáng mừng là Sài Gòn – thành phố (cứ tưởng là) không bao giờ ngủ – dù sao cũng đã động đậy trở lại, chứ cứ kéo dài kiểu yên bình như mấy tháng qua thì đúng là chết dở, à mà chết thật luôn ấy chứ 😀

Khám phá một khúc sông Sài Gòn với Saigon Water Bus

Tuyến xe bus đường sông Sài Gòn được khai trương đâu vào năm 2017, tất nhiên với tính thích lang thang như nhà tôi thì đi thử tuyến bus này sẽ là một việc phải làm. Tuy vậy cứ lý do nọ kia, nhiều lúc là quên, nhiều lúc còn nghe mua vé bất tiện, cho mãi tới ngày 31/12/2019 cả nhà mới quyết định làm một chuyến (sáng thì đi sông Sài Gòn, chiều thì lượn Q1 và đón giao thừa :D).

Và cũng lại gần 2 năm nữa, thời gian cứ trôi nhanh như… máy bay bay vèo qua cửa sổ chung cư, mới đây mới lại nhớ tới chỗ ảnh và video ghi lại chuyến đi, mới lấy ra khoe 🙂

Với một hành trình dài khoảng 2 giờ (cả lượt đi và về) bạn sẽ có cơ hội khám phá một Sài Gòn khác, mà có lẽ số đông chúng ta chưa bao giờ biết tới: quan sát Sài Gòn từ trên sông Sài Gòn :). Bạn sẽ thấy một Sài Gòn hiện đại hào nhoáng ở bờ Tây và một vùng nông thôn hoang vắng ở bờ Đông. Giá vé rất rẻ, chỉ 15K/lượt. Hơi ồn vì tiếng máy tàu, ngoài ngồi bên trong khoang máy lạnh thì hành khách chỉ được đứng ngắm cảnh ở phía đuôi tàu. Nên đi vào một ngày nắng đẹp, tuy nhiên nếu có gặp một cơn mưa trên sông chắc cũng là một trải nghiệm thú vị 🙂

Sài Gòn (có nhiều chỗ) thật đẹp 😀

Sài Gòn tuần giãn cách đầu tiên

Mới có 1 tuần giãn cách, vẫn được đi lại, chỉ là phải chạy ngoài đường mà không có chỗ nào để đến thôi 😛, mà đã thấy cuồng chân gớm. Bọn Tây nó cách ly vài tháng liền ngồi nhà chắc phát điên là có thể hiểu được 😃

Một tuần qua đường xá thông thoáng, đi lại rất sướng, lần đầu tiên chạy xe từ nhà tới Lý Tự Trọng (Q1) hết đâu có 12 phút, gần đạt vận tốc nói láo của bọn rao bán dự án BĐS (bọn nó hình như nghĩ ai cũng trèo lên xe chạy như cướp giật). Mà đấy là tôi quen đi chậm, max. 40km/h thôi (dân HN vào có một trong những cái ấn tượng đầu tiên là dân SG chạy xe rất nhanh, có một thằng đồng nghiệp mới vô 3 năm trước, đi motor hẳn hoi mà còn hãi).

Lần này có vẻ căng thẳng hơn, hàng quán đóng cửa hết khá nghiêm túc, không thấy còn lén lút bán tại chỗ như dạo trước. Muốn nghiêm cứ đè cổ Chủ tịch phường ra tròng cái trách nhiệm vào là nghiêm hết ngay, đâu dễ để mất ghế vì ba cái bọn hàng quán được 🙂

Chiều CN trời đầy mây, gió mát, đường rất vắng, đúng điệu cuối tuần đẹp để chạy loanh quanh thành phố, mỗi tội lúc này không phải là lúc đi chơi nên chỉ lòng vòng mua đồ ăn xong về. Cái quán Hoàng Ty (Trương Quốc Dung) giờ ăn cũng cỡ 10 năm rồi, giá cả thì có tăng lên theo thời gian nhưng chất lượng và dịch vụ thì vẫn tốt như khi mới biết, cũng là thứ hiếm thời này. Hôm nay lần đầu tiên mua mang về mới biết quán còn xài hộp, ly giấy chứ không phải xốp hay nhựa, chỉ là mấy món địa phương bình thường thôi nhưng mà thấy nó hấp dẫn hơn hẳn chứ chưa nói chuyện thân thiện môi trường cao xa gì. +1 điểm, sẽ ra sức quảng cáo cho quán 😃

Quán này có món chè khúc bạch thần thánh, mà riêng chuyện đựng trong chén sứ trắng đã thấy ngon rồi. Biết tới chè khúc bạch từ đây, trải qua một đợt SG lên cơn sốt chè khúc bạch tùm lum đâu cũng bán, xong rồi dẹp hết cũng chỉ còn đây có chè khúc bạch, và luôn ngon nhất. Giá 10 năm vẫn không đổi, yêu thế 🙂 (giá quan trọng vì bạn Gấu mỗi lần chén 2 phần 😛).

Đi bộ lòng vòng Chợ Lớn một chiều Chủ nhật cuối năm

Đi bộ giúp bạn biết nhiều hơn về nơi mình sống 🙂

Chủ nhật cuối năm hôm trước 2 vợ chồng lại lội bộ một vòng Chợ Lớn, chẳng là gần như tháng nào cũng lượn qua đây một lần mà toàn chỉ lo lái xe, lo kiếm chỗ đỗ mà không bị người ta bán hàng đuổi, không sợ CSGT (hehehe, quanh đó CSGT lượn ác nhưng nếu đỗ xe đúng chỗ thì hoàn toàn có thể thản nhiên ngồi chờ vợ và coi mấy anh xử đẹp mấy chú dừng/đỗ láo 😃).

Chiều muộn ngày Chủ nhật nên các con đường quanh đó đều khá vắng vì hàng quán đóng cửa hết (phần lớn họ nghỉ CN nhé), chỉ còn con đường chính Hải Thượng Lãn Ông là đông kín người, cả đoạn đường đỏ/vàng rực màu của các đồ trang trí Tết. Tôi cũng ủng hộ 2 dây chữ treo Tết lấy hên (2 cái dây này mà là vàng thật có lẽ tới 20 lượng, thôi cũng mong năm nay Trời thương, chăm chỉ cày cuốc và tiết kiệm chỉ cần được 1/10 = 2 lượng là ấm no rồi 😛).

Lượn phố chán thì ghé vào nhà thờ Cha Tam (St Francis Xavier Church), từ rất lâu rồi cứ muốn ghé một lần mà cả 10 năm rồi ấy chứ, giờ mới ghé được. Có hai điểm đặc biệt ở nhà thờ này, một là nhà thờ này có liên quan tới một sự kiện trong lịch sử VN ở TK20, hai là nhà thờ mang dáng dấp đặc trưng của người Hoa: sử dụng toàn chữ Hán, cổng vào cũng là cổng tam quan như cổng chùa. Và lần đầu tiên tôi gặp một buổi giảng đạo bằng tiếng TQ (giáo dân người VN nếu có ở khu này chắc phải đi lễ ở nhà thờ khác). Mà phải nói rằng khu này buôn bán chợ búa nên phố xá bẩn, rác khắp nơi, nhà cửa chen chúc, cứ thoang thoảng mùi rác 🙁

Lang thang mỏi chân kết thúc ở Baoz Dimsum (toàn món Hoa ý), cái nhà hàng này cũng đông khách dã man, mấy lần nhà tôi định ăn mà không có bàn, toàn phải đặt trước. Tôi thì ăn được thì ăn, chứ phải ngồi chờ là tôi giải tán, đói chết cha ngồi nhìn thằng khác ăn thì chịu sao nổi 😃. Lần này gần Tết, có bàn. Lần đầu ăn không biết ngon dở thế nào, gọi tá lả mười mấy món (mỗi món có ít thôi), ăn xong rồi kết luận lần sau dẹp 1/2 không ngon lắm. Ở đây cũng có món chè khúc bạch thần thánh, nhưng vẫn kém Hoàng Ty.

Lần đầu đi bộ trên đường Hồng Bàng, Q5

Đi bộ giúp bạn khám phá các con đường 🙂. Hôm qua sau khi thả bạn Gấu vào Phương Nam Books, hai vợ chồng tui đi bộ từ Thuận Kiều plaza tới nhà thờ Ngã sáu vì cái khúc này đi qua mãi mà chưa ghé nhà thờ lần nào.

Trên đoạn này còn dừng lại ngắm nghĩa hội quán Phước An và trường THCS Hồng Bàng, đều là những công trình kiến trúc đã hơn hoặc gần 100 năm tuổi, và rất đẹp. Hội quán thì hoa văn chạm trổ rất đẹp, trường Hồng Bàng (một trong ba trường trung học đầu tiên do Pháp xây ở SG) có mặt tiền là một đoạn dài trên đường Hồng Bàng, có vườn hoa với hàng cây cao vút trước mặt, và kiến trúc thuộc địa đặc trưng với nhà hai tầng, mái ngói, tường sơn vàng, cửa sổ lớn sơn xanh lá.

Nhà thờ Ngã sáu (Church of Saint Joan of Arc) nằm ở vị trí chắc đẹp nhất Q5 (cũng đúng thôi vì đối diện qua đường An Dương Vương là UBND Q5 :)). Xung quanh là công viên với vô số cây cao, kẹp giữa 3 con đường. Cảnh quan quanh nhà thờ rất đẹp, không biết SG còn nhà thờ nào ngoài nhà thờ Đức bà và nhà thờ Ngã sáu này nằm giữa một không gian lớn đẹp mà không bị bao vây bởi các công trình xây dựng khác không.

Tôi đi xe bus 4.0 với thẻ thông minh UniPass

Ơn Trời là cuối cùng thì từ đầu tuần này xe bus cũng đã hoạt động trở lại bình thường, báo hại tôi sau hơn 20 ngày làm việc ở nhà thì 2 tuần trước phải đi xe máy đi làm hàng ngày do bus chưa hoạt động. Tuyến bus tôi đi làm lại rất vắng khách nên đợt rồi nó bị dừng sớm nhất và trở lại hoạt động chậm nhất, đi xe vắng thì thích mà đôi lúc xui lại bị “thua thiệt” thế đấy 😀

Công bằng mà nói thì lợi ích và bất tiện giữa đi bus và xe máy cũng gần như nhau, mỗi người lựa chọn phương tiện nào phù hợp với mình thôi. Tôi thì chấp nhận mất gấp đôi thời gian mỗi ngày (thời gian đi + chờ xe).

Giờ nhớ lại hoá ra tôi đã sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ rất sớm, và trải nghiệm đủ nhiều cả bus ở HN lẫn SG. Sớm nhất là những năm ’80 giờ đã xa lắc lơ, ngày đó thi thoảng tôi được đi bus mỗi khi đi chơi, lớn ít nữa (những năm học cấp 1) còn nhớ vào các dịp nghỉ như 30/4 hoặc 2/9 trẻ con trong khu tập thể bọn tôi còn tự đi chơi. Cứ đi bộ ra bến xe, trèo lên đúng tuyến, điểm đến cũng thường là vườn hoa Giám, Cửa Nam, Bờ Hồ, xuống đó xong là đi bộ, đi đâu tuỳ thích 🙂

Tôi không còn nhớ rõ cái xe bus ngày đó nữa, những chiếc Karosa to tướng có tới 3 cửa, nhưng ấn tượng nhất đến giờ tôi vẫn không quên là có lần tôi gặp cảnh nhân viên thuế nhảy lên xe bus bắt buôn rượu lậu. Người buôn rượu người ta đựng trong các cái túi làm từ săm (ruột) ôtô, khi nhân viên thuế nhảy lên khám xe là họ cuống cuồng giấu vào gầm ghế, nhét cả lên nóc xe qua cửa thông gió trên đầu.

Cũng thời gian trên tôi còn đi tàu điện leng keng, có 1-2 toa, chạy chậm rù rù.

Mãi đâu đến những năm 2000 tôi mới lại đi bus tiếp, lúc này đã phổ biến các xe bus đỏ-vàng của Transerco, ấn tượng xe bus lúc này thì chỉ có là (phần lớn) xe thì chạy ẩu và tài xế/phụ xe thì từ mất lịch sự đến thô lỗ. Dù vậy tôi vẫn cứ thích đi bus, mua hẳn cái vé tháng liên tuyến để đi thoải mái, ngoài đi làm thì đi chơi cafe cà pháo mà tiện đường cũng đi bus cho khoẻ, nhất là buổi tối xe vắng hơn 😀

Mấy năm gần đây tôi lại đi bus đi làm tiếp mỗi khi có thể (sau một thời gian dài làm việc gần nhà đi xe đạp và làm việc… ở nhà :D). Bus SG và HN cũng có rất nhiều điểm khác biệt, từ cái vé xe đến cách đón xe. Ngay cái việc soát vé lúc đi xe, theo thời gian nó cũng tăng hiệu quả làm việc hơn hẳn: đầu tiên là có người soát vé, tiếp theo là lái xe soát vé (không còn phụ xe), sau nữa là khách tự mua vé (bỏ tiền + bấm nút) và đỉnh cao 4.0 bây giờ là xài thẻ RFID không chạm luôn 😀

Xe bus còn nhiều vấn đề, rất nhiều là khác, hiện giờ nó chỉ ở mức độ chấp nhận được nhưng cũng đã là lựa chọn của rất nhiều HS-SV và người đi làm nên hi vọng mọi thứ sẽ tốt hơn, nhanh hơn nữa theo thời gian 🙂

UniPass

Ghé thăm nhà chú Hoả (Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM)

Giống như nhiều địa điểm khác, cứ muốn ghé thăm bao lần mà mãi không ghé, dù địa điểm nổi tiếng này nằm ngay trung tâm thành phố. Chắc ít người chưa nghe nhắc tới nhà chú Hoả bao giờ, nhất là liên quan tới nó là câu chuyện “con ma nhà họ Hứa” (nhảm nhí chứ đâu có thật) dai dẳng từ hàng chục năm nay.

40272675284_5748415255_z

Tất nhiên như tên gọi, cơ ngơi này ban đầu thuộc về gia đình chú Hoả, và sau này được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Tất cả gồm có 3 toà nhà lớn, trên một khuôn viên rất rộng có hàng rào song sắt bao quanh và đâu tới 3-4 cổng trên hai mặt đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình. Hiện toà nhà chính lớn nhất và tòa nhà nhỏ nhất đang mở cửa cho khách tham quan, toà nhà ở giữa và cũng là lớn thứ hai thì thấy đóng cửa kín mít.

40272678294_4b98044b08_z

Kiến trúc các toà nhà đơn giản giống như nhiều công trình khác từ thời Pháp thuộc, tường gạch dày cỡ 30cm, có một sảnh chính lớn, hành lang chạy vòng quanh toà nhà phía tường bên ngoài, bên trong chia thành các phòng đều nhau. Khác là trên đỉnh mái ngói có chạy một hàng hoa văn gì đó mà tôi nhìn không rõ lắm :). Ở giữa toà nhà lớn là một khoảng sân rộng, có cả lối vào từ phía sau (đối diện cửa chính). Quanh toà nhà là các ban-công với cửa rất cao, lúc nào cũng lộng gió. Vào các dinh thự của giới nhà giàu, quan chức cao cấp, vua chúa xưa thường dễ cảm thấy ngay là rất thoáng mát.

Có hai điểm đặc biệt là các cửa kính đều ghép kính màu hình hoa lá (giống các nhà thờ) và trong mỗi toà nhà có một thang máy, chắc là thang máy cổ nhất Việt Nam 🙂

40272684174_663dfdd369_z
Cửa kính ghép màu hình hoa lá
40272677954_f2e363a24e_z
Cầu thang bên trong toà nhà nhỏ với cửa kính ghép màu
40088662895_7f54fe4608_z
Thang máy tại tầng trệt toà nhà lớn

Có một chi tiết nữa mà ít người biết tới hơn, đó là bức tượng nhà bác học nổi tiếng TK19 Trương Vĩnh Ký đang được lưu giữ ở đây. Bức tượng được dựng năm 1927 ở công viên phía trước dinh Độc Lập và bị chuyển về đây sau năm 1975. Theo như Tuổi Trẻ nói ở đây thì bức tượng được đặt ở sân sau, nó đúng nhưng rất không đầy đủ, tôi nghĩ bất cứ ai khi diện kiến nhà bác học tại đây chắc cũng không khỏi bùi ngùi: bức tượng Trương Vĩnh Ký được đặt ở một góc sân, phía bên phải bậc thang đi xuống sân bên trong toà nhà, và sau một cái cây! Tại sao không phải là một chỗ trang trọng hơn ví dụ như ở bãi cỏ phía trước toà nhà? Tất nhiên mọi người đều biết là do còn nhiều quan điểm khác nhau về cuộc đời của nhà bác học này, ngay cả một quyển sách mới viết về ông gần đây cũng đã bị thu hồi.

40272664744_7f3ff11c79_z
Tượng cụ Trương Vĩnh Ký ở sân bên trong toà nhà chính bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
40272665394_90f016b86f_z
Tượng đặt ở một góc sân, các mái lều màu xanh là của một lớp học vẽ

Đối diện với tượng Trương Vĩnh Ký ở góc sân bên kia (cũng sau một cái cây) là tượng của Quách Đàm – một đại gia người Hoa nổi tiếng khác, được chuyển về đây từ chợ Bình Tây. Tại sao cũng không trả lại tượng về chợ Bình Tây? Đây chỉ là câu chuyện lịch sử, nếu họ có tội thì cho họ xuống sông như các bức tượng khác luôn đi, nếu họ là người bình thường hoặc có công thì trả về nơi ban đầu người dân dựng tượng họ nếu được, hay ít nhất không tống vào một xó như thế 😦

40272669744_4020331c2d_z
Quách Đàm, người xây chợ Bình Tây

Về chức năng chính – là một bảo tàng, thì hiện vật trưng bày chủ yếu là tranh vẽ, sau đó là đồ gốm sứ, và một ít tượng điêu khắc. Chắc phần tranh vẽ là thế mạnh nhất của bảo tàng (là đoán thế chứ tôi không có khả năng cũng như kinh nghiệm đánh giá :D), còn phần đồ gốm sứ và phần điêu khắc của văn hoá Chăm thì kém xa các bảo tàng khác như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (về cổ vật) hoặc Bảo tàng Văn Hoá Chăm hoặc Mỹ Sơn (về văn hoá Chăm nói chung).

40272681444_09056cbb49_z

Giống như Bảo tàng TPHCM (trước là dinh Gia Long), mấy cái bảo tàng này thực sự là hoạt động èo uột và hiện vật trưng bày nghèo nàn, trừ giới chuyên môn có mối quan tâm khác chứ còn với khách thông thường như tôi chắc mối quan tâm chính ở mấy cái bảo tàng này chính là các công trình kiến trúc và câu chuyện lịch sử của chúng và những người chủ đích thực ban đầu.

Vé vào cửa là 30K/người, trẻ em miễn phí (sau khi viết mới biết giá vé thời điểm đầu năm 2016 vẫn chỉ có 5K/người), tôi không mong các bảo tàng miễn phí (nước ta còn nghèo, đấy là mục tiêu khi chúng ta đã phát triển ngang bằng với bọn đế quốc giãy chết :D) nhưng vẫn là đắt nếu trừ hao đi chất lượng trưng bày và mục đích khuyến khích mọi người ghé thăm nhiều hơn nữa.

Flying station – truyền hình đầu tiên ở Việt Nam

(post lại từ blog cũ đã tèo)

Lần đầu tiên mình biết tới truyền hình đâu vào năm 1983 gì đó, do nhà ông hàng xóm trúng xổ số, trong bao nhiêu phần thưởng là hiện vật có bao gồm một chiếc vô tuyến đen trắng cỡ 17″ thì phải (giờ gọi là TV). Cả khu tập thể lúc đó cũng chỉ có vài nhà có TV, hàng xóm kéo đến xem ngồi chật trong nhà, có những hôm đông quá ngồi sập cả giường của chủ nhà 😀

Hôm trước đọc Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố 2 mới biết truyền hình đã có ở Việt Nam từ năm 1966, và ngày đó câu chuyện cả xóm chen nhau xem TV nó cũng đã như vậy :). Cái khác mà sau này không có nữa là truyền hình những năm đầu mới xuất hiện đó được phát từ trên… máy bay, và để có mấy giờ truyền hình mỗi tối nghe không đơn giản tí nào.

Buổi truyền hình đầu tiên phát vào ngày 29 tháng 1 năm 1966. Trong buổi phát, máy bay vận tải Super Constellation bốn động cơ đặt tên là Ô-xanh 2 bay ở độ cao ổn định là 3.150 mét. Mỗi tối máy bay này chở 56,5 tấn máy móc rời phi trường Tân Sơn Nhất lên tới độ cao nhất định tại một địa điểm phía đông nam Sài Gòn khoảng 32 km rồi từ đó bay theo một lộ trình không thay đổi, lập lại mỗi đêm với tốc độ ổn định là 271 km/giờ. Máy bay bay suốt 4 giờ liên tục từ 7 giờ tới 11 giờ đêm mới hạ cánh lại Tân Sơn Nhất. Từ 8 giờ máy bay phục vụ cho chương trình truyền hình thứ nhì loan tin và giải trí cho quân đội Mỹ đến 11 giờ. Trong máy bay có hai máy truyền hình mạnh 2.000 Kw, hai máy thu hình và tiếng vào băng, hai hệ thống kiểm soát âm thanh, hai hệ thống vô tuyến điện ảnh dùng phim 16 ly, tất cả đặt trong một không gian nhỏ hẹp trên máy bay. Phía sau phi cơ có một máy chạy dầu cặn để chạy một máy phát điện 100 Kw dùng cung cấp điện cho hệ thống máy lạnh nặng trên 10 tấn. Ngoài thân máy bay còn đưa ra 8 ăng ten để phát các làn sóng điện vô tuyến truyền hình. Các máy móc ấy trị giá nửa triệu đô la thời ấy. Các làn sóng điện đem theo hình ảnh và âm thanh có thể tiếp nhận tới các nơi xa Sài Gòn như Cam Bốt (cách 120 km), Đà Nẵng (608 km), Cà Mau (206 km). Tuy nhiên Sài Gòn và bảy tỉnh lân cận mới tiếp nhận hoàn hảo.

trích từ bài Cái Ti Vi Denon và Truyền Hình Nửa Thế Kỷ Trước

Lockheed Super Constellation C121
Một chiếc máy bay Super Constellation (C-121C), tuy nhiên không chắc chính xác là loại trong bài viết, vì chỉ nói tên mà không rõ model nào

 

Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy

(post lại từ blog cũ đã tèo)

Trích đoạn phần Thay Lời Giới Thiệu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong sách Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài, Và Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy của Lê Văn Nghĩa.

33309050741_9c8583c3dc_z
Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy

Đọc Lê Văn Nghĩa, nhớ Sài Gòn

1. Đọc truyện này của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học.

Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như trong một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển.

Với tôi, đó là một bất ngờ lớn. Nhưng đến khi coi lại cái tên truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy thì tôi không thấy bất ngờ nữa. Ờ, tên truyện gì mà dài loằng ngoằng, cũng chẳng giống nhan đề một cuốn truyện thiếu nhi. Nó giống tên một thiên tuỳ bút, ký sự hay khảo cứu hơn. Ắt hẳn đó là sự cố ý của tác giả.

2. Sau cảm giác bất ngờ, là cảm giác thú vị.

Năm 1966, lúc tụi con nít như thằng Minh, thằng Ti, thằng Chim chạy nhảy lơn tơn trong truyện, tôi đang học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) ở một thị trấn nhỏ miền Trung, tức là tôi lớn hơn các nhân vật con nít của Lê Văn Nghĩa một tuổi và học hơn tụi nó một lớp. Tuy không sống ở Sài Gòn, nhưng do siêng đọc các báo thiếu nhi xuất bản ở Sài Gòn như Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Thằng Bờm… chuyển ra miền Trung hàng tuần theo xe đò, tôi vẫn biết các trò chơi của con nít Sài Gòn mà Lê Văn Nghĩa mô tả trong truyện nên khi lần theo từng trang sách Chú chiếu bóng…, tôi bắt gặp mình sung sướng như gặp lại đám bạn nhỏ thời nào.

Bảy năm sau, khi tôi vào Sài Gòn thi đại học, xe chiếu bóng thùng như chiếc xe cà tàng của chú Hai Ngon vẫn còn lác đác trước các cổng trường tiểu học. Và những ngôn ngữ đường phố như “quỷ kiến sầu”, “tổ sư bồ đề”, “bành ki nái”, “mút chỉ cà tha”, “hầm bà lằng xán cấu”… vẫn còn thông dụng trong các cuộc tán gẫu hàng ngày.

Bây giờ, bắt gặp ngôn ngữ đối thoại đó trong truyện, tôi không khỏi mơ màng nhớ lại một thời thơ dại, thời mà chính tôi cũng ăn nói “hầm bà lằng xán cấu” không thua gì tụi thằng Ti.

3. Điều thứ hai khiến tôi thú vị với câu chuyện của Lê Văn Nghĩa là những điều anh viết rất gần gũi với tôi. Bối cảnh trong câu chuyện của anh xảy ra ở quận 6 – là nơi tôi có bốn năm gắn bó. Tôi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiếu nhi quận 6 hai năm. Hai năm tiếp theo tôi chuyển sang dạy học ở trường Bình Tây là ngôi trường các nhân vật trẻ con của anh đang theo học (năm 1966 còn là trường tiểu học) – ngôi trường mà con Hồng, người kể lại câu chuyện này, ngồi mài đũng quần suốt năm năm ở đó. Rồi trường Phú Định ở phường 13 bây giờ…

Tôi đã bao nhiêu lần đi ngang Á Đông tửu lầu (chưa vô lần nào vì thời đó còn nghèo), ngày ngày đạp xe qua cầu Palikao hay cầu Bình Tiên để đi làm hoặc đi dạy. Những con đường thân quen Phạm Văn Chí, Lê Quang Liêm, Ngô Nhân Tịnh, Phạm Phú Thứ… tôi đọc truyện Lê Văn Nghĩa tới đâu những ngả phố góc đường đó hiện ra mồn một trong tâm trí tôi tới đó.

Một điểm đặc biệt nữa trong truyện Chú chiếu bóng… là sự xuất hiện các nhân vật người Hoa. Cho đến hôm nay, người Hoa vẫn sống đông nhất ở quận 5, quận 6. Tôi đi làm ở quận 6 và sống ở quận 5, trong một chung cư có 90% là người Hoa, hằng ngày đụng đầu với hàng xóm A Lìn, A Mãnh, A Phò vẫn toét miệng cười chào “Chủ xành” hoặc thăm hỏi “Xực phàn mì?”. Vì vậy mà đọc những câu như “lượng co phảnh mìn dách co bạc xỉu”, “hắc xịt xập hù” trong truyện Lê Văn Nghĩa, tôi hiểu ngay, không cần… phiên dịch. Cảm giác thân thuộc đó thật lâng lâng khó tả.

4. Những nhân vật trong truyện Lê Văn Nghĩa thuộc tầng lớp dân nghèo thành thị. Đó là đặc điểm của các quận ven Sài Gòn. Sau 1975, hoàn cảnh sinh sống của dân lao động những nơi này cũng không thay đổi nhiều so với dân cư thuộc các quận trung tâm. Một nhà văn cùng thế hệ với Lê Văn Nghĩa là Võ Phi Hùng, xuất thân từ viện mồ côi, sinh sống ở quận 6, cũng có nhiều tác phẩm viết về trẻ em vỉa hè ở khu vực này nhưng khác với Võ Phi Hùng, ngoài việc khắc hoạ tính cách và số phận nhân vật, Lê Văn Nghĩa còn có tham vọng phục dựng khí hậu thời cuộc như anh đã từng làm với tác phẩm Mùa hè năm Petrus mới đây. Thế mới xuất hiện trong chuyện chàng Mùi trốn quân dịch, chuyện học trò bị \”bắt\” uống sữa mỗi buổi sáng ở các trường học, chuyện nhà ảo thuật Khổng Có dạy thằng Ti ngả mũ trước đám tang, chuyện chị Mari Phông-tên đi làm sở Mỹ và các nhân vật phì phèo thuốc lá nhãn hiệu Ruby, Salem, Melia…

5. Lê Văn Nghĩa, phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười, là nhà văn trào phúng đã trở thành thương hiệu với các nhân vật Đại Văn Mỗ, điệp viên Không Không Thấy. Đó có lẽ là lý do khi anh viết truyện cho trẻ em, tình huống và lời thoại của anh rất dí dỏm – nhiều chỗ khiến người đọc bật cười. Tính hài hước, theo tôi là một phẩm chất cần thiết nhưng vẫn còn thiếu vắng trong các tác phẩm viết cho trẻ em. Lê Văn Nghĩa, với mặt mạnh của mình, đã khoả lấp được thiếu sót đó trong tác phẩm mới nhất của anh.

Truyện Chú Chiếu Bóng, Nhà Ảo Thuật, Tay Đánh Bài, Và Tụi Con Nít Xóm Nhỏ Sài Gòn Năm Ấy là một cuốn truyện hấp dẫn, không phải vì nó thuần tuý đem lại tiếng cười. Cách yêu thương đùm bọc giữa bọn trẻ nghèo với nhau khiến người đọc rưng rưng cảm động. Cách chú Hai Ngon sử dụng khẩu ngữ bình dân “dẫu hèn cũng thể” thường trực trên đầu môi như một phương châm sống, cách ông thầy Khổng Có dạy thằng Ti những bài học làm người bằng lời của thánh hiền kiểu như “nhân bất học bất tri lý” nói lên cách ứng xử mộc mạc, hồn nhiên, đầy ắp tình người giữa những cảnh đời khốn khó. Những đạo lý giản dị nhưng sâu xa đó gợi nhớ đến những bài học khó quên trong sách Luân lý giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Đỗ Thận…

Viết tới đây, lật lật vài trang Chú chiếu bóng…, tự nhiên tôi bỗng nhớ Sài Gòn quá thể, dù tôi đang ngồi giữa Sài Gòn. Tôi bỗng muốn ra đường, ngồi trước chiếc xe có gắn tấm kiếng Hải Ký mì gia, kêu một tô “phảnh mìn”, uống một ly “bạc xỉu”, “dẫm xà” một chút rồi lát trưa kiếm ít tiền… rủ Lê Văn Nghĩa đi “dẫm chẫu”. “Dẫu hèn cũng thể”!