Tản bộ và tản mạn về thành phố của tôi ngày đầu năm

(một bài viết dở năm ngoái, đầu năm ở đây là một năm trước rồi – 01/2023, năm nay thì trung tâm thành phố đã đẹp hơn nhờ đường Lê Lợi đã thông thoáng hoàn toàn :D)

Như thường lệ nhà tôi hay kéo nhau lang thang ở trung tâm thành phố trong ngày cuối năm hoặc đầu năm mới, đi lang thang chứ không có kế hoạch gì, gọi là đi ngắm phố phường xem thế nào :). Trung tâm thành phố (với chúng tôi) thực ra là rất nhỏ, thường là gói gọn từ đường Hàm Nghi, chợ Bến Thành hướng lên đường Nguyễn Huệ, kéo dài qua khu vực UBND thành phố và Nhà hát thành phố, qua bưu điện, nhà thờ và kết thúc xa nhất cũng là công viên trước dinh Độc lập. Nó chỉ nhỏ vậy thôi vì chúng tôi đi bộ, và dù nhỏ vậy nhưng đi mãi vì dù quen thuộc mấy thì vẫn còn một lý do để đi: đi bộ 😀

Tôi không thể nào biết hết với mọi người năm vừa qua thế nào, nhưng như tôi thấy thì chắc với tình hình kinh tế khó khăn vậy thì với số đông là buồn nhiều hơn vui, không khí năm mới vì thế cũng thấy nhạt nhòa hơn, trang trí đèn hoa cũng bớt hào nhoáng hơn. Không có tiền thì cái gì cũng đi xuống hết, từ trang hoàng đường phố tới TTCK :D. Trên đường Nguyễn Huệ thấy có mỗi Rex hotel là nổi bật với đèn trang trí kiểu mosaic và tông màu xanh/trắng đẹp mắt.

Cũng đâu chừng 2-3 tháng rồi tôi không ghé đường Nguyễn Huệ, năm mới ghé qua mà thấy nó nhếch nhác vô cùng, chắc cũng do kinh tế ảm đạm quá :). Chuyện phố đi bộ này nhếch nhác, mất vệ sinh, hàng rong lộn xộn, rồi như mới gần đây lại có vụ lộn xộn đánh nhau hình như cũng giữa mấy đứa trẻ con trượt ván và đám bán hàng rong… toàn chuyện rất cũ, người dân kêu ca chắc chán quá rồi, cái lạ là nó cứ mãi tồn tại như vậy ngay trước UBND thành phố chứ đâu phải vùng sâu vùng xa gì (không biết có ông lãnh đạo Q1 nào đủ dám “dũng cảm” nói không biết hay chưa nghe anh em báo cáo không? :D).

Phố đi bộ không cấm bán hàng ăn uống, đồ lưu niệm vì đấy là nhu cầu của mọi người đến đấy vui chơi nhưng nó phải có trật tự, chỉ nên giới hạn khu vực bán hàng ở hai bên vỉa hè thay vì để hàng rong như ở các chợ cóc ngồi la liệt khắp nơi rồi thi thoảng lại có người đi dẹp, xong chỉ một lúc sau lại đâu đấy chứ cũng không phải chờ tới hôm sau. Đám trẻ chơi trượt ván thì cũng phải có giới hạn khu vực thay vì muốn chơi ở đâu thì chơi, tôi từng chứng kiến khi có mấy anh chạy xe máy tới thổi còi toét toét thì tất cả đám đó nó dừng lại hết, nhưng chỉ một phút sau khi mấy anh chạy đi thì lại đâu vào đấy.

Hoàng hôn trên đường Lê Lợi một ngày sát Tết 2024

Cây nêu ngày Tết

Vừa đọc một Chút dư vị Tết hậu trên TBKTSG, có nhắc đến cây nêu, làm tôi lại nhớ đến Tết xưa, xưa là với tôi chứ cũng chỉ chừng 30 năm trước, đang là thời kỳ Đổi Mới chứ xưa cái nỗi gì 🙂

Như bài báo nói, ngày nay cây nêu đã mất dạng ngay cả ở các làng quê đồng bằng, miền núi vùng cao chắc may ra còn. Nhưng cây nêu thì tôi không lạ, ngoài chuyện xem cây nêu ở quê thì tôi còn không ít lần tự làm cây nêu của mình nữa.

Giờ nhớ lại hoá ra tôi luôn ăn Tết ở nhà mình (một thị xã nhỏ giáp ranh thủ đô, sau lên thành phố, rồi cuối cùng là một quận của thủ đô luôn, thật lằng nhằng :D), khi lớn rồi thì thường về quê sau Tết, còn hồi nhỏ thì thường về quê những ngày trước Tết, chơi mấy ngày với mấy đứa anh em họ sau đến 28-29 gì đó thì lại về nhà mình. Nhưng mà mấy ngày trước Tết mới vui, chứ Tết đến rồi là cũng hết vui dần.

Cây nêu là một cây tre, hoặc đơn giản là một cái sào – một cây tre/trúc gì đó nhỏ cỡ cổ tay và dài chừng 4-5 mét, chôn xuống sân, đầu trên cùng treo một cái vòng tre, trên vòng tre treo lủng lẳng với khánh – có thể thành 2-3 tầng, khi có gió cá và khánh sẽ va đập vào nhau kêu leng keng vui tai. Đấy là cây nêu.

Cá là hình con cá, to cỡ bàn tay trẻ, khánh là… cái khánh – ai chưa biết lên đình chùa là biết chứ cũng không biết mô tả thế nào :), cả cá và khánh đều làm bằng đất sét nung. Để làm mấy cái đó trước tiên phải có khuôn bằng gỗ khắc hình con cá và cái khánh với các hoạ tiết đơn giản, quan trọng nhất là phải có một cái lỗ để xỏ dây treo. Sau khi có khuôn thì quy trình làm là cầm hòn đất sét đã được nhào nặn dẻo như cục bột làm bánh bây giờ, ấn lên cái khuôn, sau đó cầm cái cắt là một thanh sắt uốn hình chữ U có sợi dây thép buộc ngang ở miệng chữ U, kéo cái sợ dây đó sát ngang qua mặt khuôn, nhấc cục đất sét ra, úp bàn tay cho nó dính vào con cá/cái khánh còn lại nằm trên khuôn và nhấc nó ra, xếp ra sân để phơi khô. Đến đây là được con cá/khánh bằng đất sét dày khoảng 5mm, đại loại như cái bánh biscuit ấy 🙂

khanh
May quá tìm thấy có cái hình cái khánh, giờ Google không thấy cây nêu nào giống cây nêu ngày xưa của mình nữa 🙂

Sau khi phơi khô thì đem nung trong lò, nung xong thì nó cũng chín đỏ như gạch ngói xây nhà ấy, cùng là đất sét mà, thế là làm xong cá/khánh.

Lò nung ở đâu? tôi cũng không biết ở các làng quê khác trên khắp miền Bắc thì làm thế nào, nhưng ở quê tôi (và một số địa phương khác) có nghề làm gạch thì cứ mang gửi vào các lò đốt gạch. Nói qua một tí về làm gạch vậy.

Các bạn có biết làm gạch thủ công ngày xưa như thế nào không? Ngày xưa không chỉ làm gạch để bán, mà khi muốn xây nhà người ta có thể tự làm gạch sẵn từ cả 1-2 năm trước, khi nào có đủ gạch là xây nhà là vừa :). Có thể nói hình ảnh làm gạch mà tôi còn nhớ rõ nhất đến giờ là một ông bác bên nội tôi (bác mất đã lâu) vì có lần tôi coi ông làm gạch trên sân kho HTX. Đầu tiên là đào đất sét, nhào trộn thành một đống lớn như một cái khúc ống cống bêtong bây giờ ý, nhảy cả lên mà giẫm chân cho nó thật dẻo, sau đó lấy cái xắn (cái chữ U nói trên, nhưng rất to) cắt thành từng khối lớn như một cái hộp cỡ 30x20x40cm gì đó, là áng chừng thế. Bê cục đất đó ra đập vào một cái khuôn bằng gỗ, cắt qua một phát, nhấc phần đất thừa ra, thế là được một viên gạch khối chữ nhật và không có lỗ nhé, mang ra sân phơi, xong lại làm viên gạch tiếp theo. Đây là một công việc nặng nhọc.

Khi nung xong một mẻ cá/khánh rất là vui, từ lúc làm với khuôn đến khi có mẻ nung xong là hao hụt đi một ít do gãy vỡ, do khi nung nó bị cong vênh. Để treo lên thì dùng một cái vòng tre cỡ như vành nón, do quê tôi có nghề làm mấy thứ mẹt/dần/sàng (nó là cái gì thì phải Google, giờ thì tuyệt chủng rồi :D) nên lấy luôn cái vòng của mấy thứ này – gọi tên là cái cạp.

Để treo lên thì tất cả đều dùng một sợi dây dẻo và dai nhất có thể ngày đó, cũng là thứ dùng để làm mấy mặt hàng mẹt/dần/sàng kia, là sợi giang – là thân cây giang tươi được dao chẻ thành từng sợi mỏng và dài chừng 60-70cm.

Sau khi treo hết cá/khánh lên cái vòng tre kia thì treo nốt cái vòng lên đầu cây sào, và chôn nó ở sân, mỗi khi có gió thổi là nghe leng keng vui vui. Giờ hiện đại có cái chuông gió cũng giống vậy.

Đấy là cây nêu của tôi, do tôi đã từng chơi hồi nhỏ ở quê không ít lần, còn cây nêu do người lớn trong xóm, làng dựng thì thường là cả cây tre cao, lớn hơn nhiều, rồi còn cắm thêm cờ và các búi sợi tre nhuộm xanh đỏ sặc sỡ.

Theo truyền thuyết thì cây nêu được làm ra là để đuổi ma quỷ.

cay-neu